Ngày 15/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ hậu thuẫn việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thay đổi quan điểm liên quan đến thỏa thuận này mà vị tỷ phú này từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Phát biểu với báo giới trước thềm phiên họp cấp cao của Hội nghị lần thứ 22 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP22) tại thành phố Marrakesh của Maroc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon bày tỏ lạc quan rằng ông Trump sẽ "lắng nghe và thấu hiểu mức độ nghiêm trọng và tính cấp bách" trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông tin tưởng trên cương vị là Tổng thống Mỹ, vị doanh nhân 70 tuổi này sẽ từ bỏ kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris như đã tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, và sẽ có quyết định sáng suốt và đúng đắn.
Theo ông, là một doanh nhân thành công và có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, Tổng thống đắc cử Trump sẽ nhận thấy rằng các doanh nghiệp hiện nay đã nhận thức rõ thực trạng và nỗ lực việc sử dụng các nhiên liệu xanh thay vì nhiên liệu hóa thạch.
Ông Ban Ki-moon mặt khác nhấn mạnh rằng mọi quốc gia, dù giàu có hay hùng mạnh, đều không thể "miễn trừ" trước các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu .
Tuyên bố trên của ông Ban Ki-moon được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố những cảnh báo về tình trạng ấm lên toàn cầu chỉ là "bịp bợm" và đe dọa rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trong khi cộng đồng quốc tế ủng hộ rộng rãi hiệp định này nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Hội nghị COP22 diễn ra từ ngày 7-18/11 tại thành phố Marrakech của Maroc, với sự tham dự của 43 nguyên thủ quốc gia và 32 người đứng đầu chính phủ các nước trên thế giới cùng đại diện của hơn 3.000 tổ chức xã hội dân sự.
Hội nghị đang thảo luận các cách thức thực hiện Hiệp định Paris mà 196 quốc gia đã đạt được hồi năm 2015, với mục tiêu giới hạn sự ấm lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, cố gắng giữ ở mức 1,5 độ C.
Nếu không có Mỹ - nước thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính thứ hai thế giới và cũng là nhà tài trợ lớn cho các quỹ chống biến đổi khí hậu - thì nhiệm vụ trên sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Mỹ cùng 109 quốc gia đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu./.