Bài 2: Đột phá cơ chế giá và tạo vốn để bình ổn thị trường

TP. HCM: Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường đậm chất thương hiệu

Trong chùm 4 bài viết với tiêu đề "Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường," bài 2 phân tích về chương trình bình ổn thị trường đã thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, có khả năng dẫn dắt thị trường.
TP. HCM: Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường đậm chất thương hiệu ảnh 1Nguồn cung rau củ, quả được cung ứng dồi dào phục vụ Tết Nguyên đán tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có GRDP, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, đóng góp ngân sách... của thành phố đều chiếm từ 20-30% cả nước.

Thành phố không ngừng năng động, sáng tạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá, linh hoạt; trong đó chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện xuyên suốt 20 năm qua.

Nhân dịp này, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với tiêu đề: "Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường," nhằm điểm lại những dấu ấn trên hành trình kiến tạo nên một chương trình mang đậm chất "thương hiệu" của riêng Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, góp phần đánh giá những đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của chương trình đối với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước nói chung.

Bài 2: Đột phá cơ chế giá và tạo vốn để bình ổn thị trường

Nối tiếp bài 1 về bước chuyển biến về tư duy khi Chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh được triển khai trên địa bàn thành phố qua 20 năm có sự chuyển biến căn bản từ nhận thức "bình ổn giá" sang "bình ổn thị trường."

Từ nguyên tắc cố định giá, chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt, có khả năng dẫn dắt thị trường, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đồng thời, nguồn vốn thực hiện chương trình từ hình thức Nhà nước ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa sang hình thức xã hội hóa, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp.

Giá luôn thấp hơn thị trường

Nếu ở những giai đoạn đầu, chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh chỉ thực hiện giải pháp bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thì từ năm 2010 đến nay, chương trình được triển khai bình ổn giá xuyên suốt cả năm. Từ nguyên tắc cố định giá, chương trình thực hiện điều chỉnh giá bán linh hoạt kịp thời, đảm bảo hợp lý và có khả năng dẫn dắt thị trường hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, từ năm 2014, thành phố đưa vào sử dụng biểu trưng (logo) chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện sự thống nhất về mục tiêu, ý nghĩa của tất cả các bên tham gia chương trình.

Hệ thống nhận diện thương hiệu của chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng từng bước được hình thành, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của sản phẩm, mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, góp phần quảng bá hình ảnh, tạo sức lan tỏa của chương trình.

Đối với chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng nhận diện, phân biệt sản phẩm, điểm bán hàng bình ổn thị trường với các sản phẩm, điểm bán khác trên địa bàn. Song song đó, chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh luôn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, với nguyên tắc giá hàng hóa bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5-10%.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, đại diện Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA), cho hay chương trình bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, người tiêu dùng… và cộng hưởng cùng với chủ trương vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Trong suốt 20 năm có nhiều khi gặp khó khăn, nếu không bền chí của nhiều đơn vị tham gia thì khó vượt qua và duy trì được tính liên tục của những tiêu chí cho hàng hóa như chất lượng, số lượng và giá cả, nhất là đảm bảo mọi thời điểm giá cả phải thấp hơn thị trường từ 5-10%.

TP. HCM: Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường đậm chất thương hiệu ảnh 2Nhiều siêu thị, điểm bán lẻ mở rộng khu vực kinh doanh hoa tươi cắt cành. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Cụ thể, trong giai đoạn khó khăn nhất như dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp vừa qua, người dân hoang mang, đẩy mạnh thu gom tích trữ, trong khi hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, phân phối... gặp nhiều khó khăn thì những đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, sáng tạo, kịp thời ứng phó tình hình mới. Hơn thế nữa, doanh nghiệp còn phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp sức cùng chính quyền thành phố duy trì các chuỗi cung ứng trong giai đoạn biến động thị trường hàng hóa và giá cả.

Về phía nhà bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), chia sẻ trong 16 năm tham gia triển khai chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op bình quân đạt 10.000 tấn/năm; trong đó nhóm mặt hàng bình ổn thiết yếu chiếm 70-80% tỷ trọng. So với năm đầu tiên (năm 2006) tham gia chương trình thì đến năm 2021, sản lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đã tăng gấp 8 lần; tỷ lệ hàng Việt tăng từ 80% lên trên 90% trong cơ cấu hàng hóa, riêng các mặt hàng bình ổn luôn đảm bảo 100% là hàng Việt.

[Hàng hóa phục vụ dịp Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả bình ổn]

Số lượng điểm bán bình ổn của Saigon Co.op cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm bán (2006) lên hơn 600 điểm bán trên cả nước (riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh là 422 điểm bán). Hằng năm, Saigon Co.op đều chủ động lên kế hoạch tham gia chương trình bình ổn suốt cả năm với 9 nhóm hàng chính và các mặt hàng phục vụ cho mùa tựu trường, kinh doanh các mặt hàng của những nhà cung cấp tham gia chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, hầu hết đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đều không ngừng đổi mới, sáng tạo, vừa khẳng định vị thế hàng đầu của mình trên thương trường, vừa là cầu nối mang hàng hóa và dịch vụ chất lượng, tiện lợi đến với người tiêu dùng, góp phần kích thích phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước và đồng bào bằng việc thực hiện tốt nhiệm vụ do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao về chương trình bình ổn thị trường, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...

Xã hội hóa nguồn vốn

Trên hành trình xuyên suốt 20 năm qua, chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra những bước đột phá với cơ chế xã hội hóa nguồn vốn giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn quy mô lớn từ 12 tổ chức tín dụng như HFIC, Sacombank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank… Chương trình trở thành "bệ đỡ" cho doanh nghiệp an tâm đầu tư chăn nuôi, sản xuất, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống phân phối, dự trữ nguồn hàng… tạo nguồn cung ứng hàng hóa chất lượng và ổn định thị trường.

Điển hình, nguồn vốn thực hiện chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh từ hình thức nhà nước ứng vốn ngân sách cho doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đã sang hình thức xã hội hóa, kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2002-2005, chương trình được triển khai với số vốn bình ổn 45 tỷ đồng, Thành phố đã giao cho 2 doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Thương mại Sài gòn và Công ty Lương thực Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện với cơ chế tạm ứng vốn trong vòng 3 tháng.

Bước sang giai đoạn 2005-2010, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp và chuyển từ cơ chế tạm ứng sang cơ chế cho vay không lãi ủy thác thông qua Quỹ Đầu tư phát triển đô thị nay là Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh. Việc chuyển cơ chế này góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình, kịp thời giúp doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hoặc dự trữ nguồn hàng; tạo sự chủ động điều chuyển vốn giữa các đơn vị tham gia chương trình.

Từ kinh nghiệm thực tiễn những năm trước, chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh ở giai đoạn 2010-2013 được thực hiện xuyên suốt cả năm với cơ chế xã hội hóa một phần nguồn vốn thực hiện chương trình. Theo đó, doanh nghiệp chủ động một phần vốn thu mua, dự trữ hàng bình ổn thị trường; hoặc một số doanh nghiệp chủ động hoàn toàn nguồn vốn thực hiện chương trình.

TP. HCM: Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường đậm chất thương hiệu ảnh 3(Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Kể từ năm 2013 đến nay, chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh huy động tất cả thành phần kinh tế đồng hành tham gia thực hiện bình ổn thị trường, không phân biệt thành phần kinh tế, nên nguồn vốn thực hiện chương trình đã hoàn toàn xã hội hóa thông qua kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Cũng từ năm này, Thành phố Hồ Chí Minh xã hội hóa 100% nguồn vốn thực hiện chương trình bằng giải pháp vận động, thu hút tổ chức tín dụng xây dựng gói vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.

Hằng năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh triển khai đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn nội dung thông báo đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở thông tin nhận được từ Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, có thể kể đến những ngân hàng thương mại đã tham gia chương trình, gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập Khẩu; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương...

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra rằng kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh góp phần hài hòa được lợi ích của các bên. Cụ thể, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, chủ động sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, đáp ứng đa dạng mục đích của doanh nghiệp; trong khi đó các tổ chức tín dụng thiết lập quan hệ với doanh nghiệp bình ổn thị trường là những doanh nghiệp có quy mô, uy tín cao, hoạt động bền vững và tiềm năng phát triển dài hạn.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết thêm các ngân hàng thương mại đã tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, với doanh số cho vay đạt khoảng từ 1.600 tỷ đồng đến hơn 5.800 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 10-41 doanh nghiệp tùy từng năm. Lãi suất cho vay dành cho chương trình bình ổn thị trường Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn lãi suất cho vay thông thường khoảng 1-2%/năm./.

Bài 1: Bước chuyển về tư duy 'bình ổn giá' sang 'bình ổn thị trường'

Bài 3: Kết nối chuỗi cung ứng liên vùng

Bài cuối: Nâng tầm chương trình cho giai đoạn mới

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục