TP. HCM: Tranh chấp lao động chủ yếu ở DN vừa và nhỏ

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM, các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, số vụ tranh chấp lao động tập thể của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp-khu chế xuất thấp hơn các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp-khu chế xuất. Trong số đó, các vụ tranh chấp lao động tập thể xảy ra chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Tại hội nghị thông tin về tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố năm 2013, tổ chức ngày 8/1, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết trong năm 2013, trên địa bàn thành phố xảy ra 98 vụ tranh chấp lao động tập thể (so với năm 2012 giảm 2 vụ) có sự tham gia của hơn 34.000 lao động.

Tại các huyện Hóc Môn, Củ Chi và quận Bình Tân, quận 12, tình trạng tranh chấp lao động xảy ra nhiều nhất. Doanh nghiệp thuộc ngành may, thêu chiếm 52/96 vụ tranh chấp lao động đã xảy ra trong năm 2013; trong khi đó doanh nghiệp thuộc ngành mỹ phẩm, cơ khí không xảy ra tranh chấp lao động tập thể trong năm 2013.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng tranh chấp lao động tập thể là do việc thực hiện chính sách, chế độ của doanh nghiệp chưa bảo đảm quyền lợi của người lao động như nợ, chậm chi trả lương, thưởng; nâng bậc lương chưa được thực hiện theo thỏa thuận; doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội dẫn đến những bức xúc trong tập thể người lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, chủ có dấu hiệu bỏ trốn dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, bản thân người lao động nhận thức được những khó khăn trong doanh nghiệp do đó tranh chấp lao động liên quan đến vấn đề người lao động đòi tăng lương đã giảm so với những năm trước.

Đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc giải quyết tình trạng tranh chấp lao động đối với những doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc doanh nghiệp phá sản, giải thể gặp nhiều khó khăn do không tiếp cận được chủ doanh nghiệp để thu thập, thống kê số lượng lao động bị nợ lương cũng như xác định tình trạng tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động để có biện pháp hỗ trợ. Hơn nữa, hiện nay các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động tập thể mới chỉ dừng ở việc xử lý hậu quả, các biện pháp chủ động phòng ngừa chưa được thực hiện.

Theo Ban Quản lý các khu chế xuất-công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, ở một số doanh nghiệp, người lao động yêu cầu doanh nghiệp chi tạm ứng trước tiền lương trước Tết, nhưng doanh nghiệp cho rằng khó giải quyết vấn đề này do đã có kế hoạch trả lương định kỳ nên không thể thay đổi; việc thay đổi thang bảng lương của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do tình hình kinh tế khó khăn, gây bức xúc trong người lao động./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục