TP Hồ Chí Minh đề cao nguồn lực đồng bào thiểu số

486 đại biểu đại diện cho 420.000 đồng bào các dân tộc Hoa, Chăm, Khmer, Êđê, Sán Dìu...đã tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP.HCM lần I.
Những đóng góp tích cực của đồng bào thuộc 26 dân tộc thiểu số đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được ghi nhận và đề cao tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố lần thứ I, khai mạc sáng 27/12.

486 đại biểu được lựa chọn từ các quận, huyện để tham dự đại hội là những đại diện ưu tú cho hơn 420.000 đồng bào các dân tộc Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Mường, Nùng, Thái, Kơho, Êđê, Sán Dìu và Rơn Rao trên địa bàn.

Đại hội xác định lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” để xây dựng các điểm tương đồng giữa các dân tộc, nâng cao trách nhiệm công dân và phát huy vai trò nhân sĩ, trí thức, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, đảm bảo sự đồng thuận xã hội.

Chính quyền thành phố cũng coi trọng việc thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ, chăm lo tốt hơn cho đồng bào các dân tộc.

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch đẩy mạnh công tác thông tin về chính sách dân tộc và công tác dân tộc trong tình hình mới, chú trọng đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số. Công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc được đặc biệt coi trọng qua chính sách miễn học phí cho con em đồng bào Chăm, Khmer, hỗ trợ dạy chữ Chăm, Hoa.

Thành phố cũng sẽ giúp tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để các cộng đồng dân tộc thiểu số trùng tu, sửa chữa và xây dựng các cơ sở tín ngưỡng.

Các báo cáo tại đại hội khẳng định những chủ trương quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh về phát huy nguồn lực, chăm lo đời sống vật chất, văn hóa và đoàn kết gắn bó cộng đồng các dân tộc trong 5 năm qua đã được thực hiện có hiệu quả.

Cộng đồng người Hoa đã tận dụng tốt các chính sách kinh tế để phát triển hàng ngàn doanh nghiệp và hộ kinh doanh với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, trong đó nhiều tập đoàn lớn như Kinh Đô, Thái Tuấn, Thiên Long, Sacombank Đời sống đồng bào người Chăm, Khmer được cải thiện rõ rệt, không còn hộ đói, các hoạt động văn hóa và tín ngưỡng cũng phát triển thuận lợi.

Phát biểu của đại diện các dân tộc thiểu số tại đại hội đều bày tỏ sự đồng cảm và tin tưởng của họ vào chính sách dân tộc nhất quán của Nhà nước. “Người Chăm từ sau giải phóng đến nay sống và làm ăn ổn định, duy trì mọi hoạt động tôn giáo mà không hề gặp bất cứ khó khăn nào, lại được hỗ trợ rất nhiều về giáo dục và xóa đói giảm nghèo”, ông Mach Dares Samael, người đứng đầu trong lĩnh vực tinh thần của đồng bào Chăm tại thành phố cho biết.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 1.300 đảng viên là người dân tộc thiểu số, tăng 154% so với năm 2004; tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 12% tổng số đoàn viên, hội viên các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố. Điều này  khẳng định niềm tin của cộng đồng dân tộc thiểu số và sự gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

59 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước là người dân tộc thiểu số đã được biểu dương tại đại hội./.

Thi Cầm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục