TP Hồ Chí Minh muốn thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép

UBND TP.HCM cho biết giai đoạn hiện nay, việc triển khai công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời là rất cần thiết nhằm giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của người dân, doanh nghiệp.
TP Hồ Chí Minh muốn thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép ảnh 1Bãi đỗ xe cao tầng tại số 32 phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện thí điểm xây dựng nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép sử dụng công nghệ xếp xe bán tự động trên địa bàn thành phố.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống bến bãi đỗ xe của thành phố chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha.

Khu vực trung tâm có 4 bãi đỗ xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại và công cộng, nhưng đến nay chưa có công trình nào được triển khai.

Điều này khiến nhu cầu đỗ xe ôtô ngày càng bức bách, nhất là khu vực trung tâm thành phố.

[Tìm giải pháp phát triển bãi đỗ xe tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giai đoạn hiện nay, việc triển khai các công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời là rất cần thiết nhằm giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của người dân, doanh nghiệp; góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tăng cường bảo đảm trật trự an toàn giao thông, đồng thời khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

"Công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có thể bố trí tại các vị trí trên đất của đường bộ, đất công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng (nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng).

Tuy nhiên, việc xây dựng công trình này chưa có tiền lệ và cần xem xét đảm bảo phù hợp quy định, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Do đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn về một số nội dung liên quan đến xây dựng công trình tạm là nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép như: trình tự thủ thục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; cơ sở thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế; trình tự, thủ tục thực hiện cấp phép xây dựng.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, công trình nhà đỗ xe cao tầng lắp ghép có đặc điểm, ưu thế của một công trình tạm như thời gian thi công, lắp đặt, tháo dỡ tương đối ngắn (khoảng 3 tháng), diện tích chiếm dụng nhỏ (49m2 cho 16-21 xe ôtô đến 9 chỗ).

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư ban đầu có thể chấp nhận được và có thể tháo dỡ, di dời để lắp đặt tại vị trí khác; linh hoạt trong triển khai các phương án cải tạo, chỉnh trang hệ thống tường, khung bao che nhằm bảo đảm phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh.

Hiện lượng ôtô thành phố quản lý khoảng hơn 850.000 phương tiện, hơn 7,8 triệu xe máy, chưa tính xe vãng lai từ địa phương khác. Riêng địa bàn quận 1, quận 3, quận 5 đang có hơn 21.500 phương tiện ôtô.

Khu vực trung tâm thành phố có nhiều công trình thu hút người dân đến mua sắm, làm việc như các trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, đồng thời khu vực này có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng.

Do đó, nhu cầu về đỗ xe của người dân tại các công trình, địa điểm này là vấn đề rất cấp thiết.

Đầu tháng 1/2023, TTXVN đã có bài viết "Tìm giải pháp phát triển bãi đậu xe tại Thành phố Hồ Chí Minh," phản ánh tình trạng nhiều dự án bãi đỗ xe ngầm được quy hoạch từ hơn 10 năm trước đến nay vẫn nằm trên giấy.

Thiếu bãi đỗ xe, Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa, đồng thời hướng đến triển khai các bãi đậu xe thông minh, lắp ghép mang tính khả thi hơn.

Trước đây, thành phố đã có quy hoạch 4 bãi đậu xe ngầm tại Công viên Lê Văn Tám, sân vận động Hoa Lư, sân vận động Tao Đàn, khu vực sân khấu Trống Đồng nhưng chưa thể triển khai.

Hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư bãi đỗ xe cao tầng như Công ty Samco đầu tư khu nhà để xe 10 tầng tại khu vực phường Cô Giang (quận 1); nhà xe lắp ghép cao tầng của Công ty cổ phần đầu tư TCP tại sân bay Tân Sơn Nhất với tổng diện tích sàn 67.000m2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục