TP Hồ Chí Minh: Quy trình "báo động đỏ" đã cứu sống gần 3.700 người

Năm năm qua, quy trình cấp cứu báo động đỏ nội viện và liên viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần cứu sống gần 3.700 bệnh nhân nguy kịch.

Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên triển khai quy trình “báo động đỏ” của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên triển khai quy trình “báo động đỏ” của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Từ năm 2016 đến nay, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng quy trình “báo động đỏ” nhằm tận dụng "thời gian vàng," kịp thời cứu chữa cho người bệnh trong trường hợp cấp cứu nguy kịch.

Đây là một trong những thành tựu nổi bật của ngành Y tế Thành phố trong 10 năm qua do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh bình chọn.

Theo Sở Y tế Thành phố, quy trình “báo động đỏ” lần đầu tiên triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào năm 2016. Sau đó, Sở yêu cầu triển khai đồng loạt tại hầu khắp các bệnh viện trên địa bàn. Nhờ đó, nhiều trường hợp nguy kịch khi nhập viện được các bác sỹ cứu chữa kịp thời.

Không dừng lại ở đó, Sở Y tế Thành phố còn triển khai thêm quy trình “báo động đỏ liên viện,” khi có trường hợp cấp cứu nặng, vượt quá khả năng chuyên môn cần huy động chuyên gia, các bệnh viện có thể kích hoạt “báo động đỏ liên viện” để tập hợp sức mạnh hỗ trợ chuyên môn của chuyên gia đầu ngành trong việc tận dụng "thời gian vàng" kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Với quy trình "báo động đỏ," ngành Y tế không cần thêm bất kỳ nguồn kinh phí nào nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực. Chỉ trong 5 năm (từ 2018 đến 2023), có gần 3.700 trường hợp được cứu sống nhờ quy trình này. Có thể thấy, sáng kiến quy trình "báo động đỏ" tạo bước đột phá, khắc phục nhiều hạn chế trong quy trình cấp cứu trước đây, mang lại sự sống, niềm vui cho nhiều người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Từ năm 2014, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng Quản lý chất lượng khám, chữa bệnh của ngành Y tế Thành phố, gồm những chuyên gia và nhà quản lý bệnh viện có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết về xây dựng, triển khai hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện nhằm định hướng cho các bệnh viện thực hiện hiệu quả 5 mục tiêu chất lượng: tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn.

Thông qua đợt kiểm tra, giám sát chuyên đề của các ban chuyên trách thuộc Hội đồng Quản lý chất lượng, Hội đồng đã tham mưu lãnh đạo Sở Y tế nhiều vấn đề về chất lượng của các bệnh viện cần được ưu tiên cải tiến hoặc chấn chỉnh nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh theo Tiêu chí chất lượng bệnh viện được Bộ Y tế ban hành. Nhờ thế, điểm chất lượng tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố tăng dần qua các năm. Năm 2014, trên địa bàn chỉ có một bệnh viện có điểm trung bình từ 4.0 trở lên, đến năm 2023 là 37 bệnh viện.

Ngành Y tế Thành phố đã xây dựng kho dữ liệu gồm 2.400 phác đồ điều trị dùng chung cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Kho dữ liệu phác đồ điều trị được tập hợp từ phác đồ điều trị của các bệnh viện đa khoa hạng 1 và bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối thuộc Thành phố, đáp ứng nhu cầu tham khảo, chọn lựa và bổ sung phác đồ điều trị phù hợp năng lực chuyên môn kỹ thuật của từng cơ sở khám, chữa bệnh.

Ngành Y tế Thành phố còn triển khai mạng lưới Trạm cấp cứu vệ tinh 115 tại các bệnh viện trên địa bàn. Đến nay, mô hình hoạt động cấp cứu mới này đã "phủ sóng" được 40 Trạm cấp cứu vệ tinh ở tất cả huyện ngoại thành cùng các quận, huyện cận nội thành và một trạm đặt ngay trung tâm của Thành phố.

Trong 10 năm qua, nhiều công trình cải tạo, xây dựng mới bệnh viện phục vụ người bệnh hiệu quả, góp phần giảm tải cho các bệnh viện và tạo tiền đề phát triển y tế chuyên sâu như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, các khối nhà mới của Bệnh viện Nhi đồng 1…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục