TP.HCM: "Bỏ ngỏ" dự báo nguồn nhân lực

Thông tin mới nhất từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 195 doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất dẫn đến 26.400 lao động mất việc và hơn 15.500 lao động khác thiếu việc làm, phải lao động cầm chừng.

Thông tin mới nhất từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 195 doanh nghiệp ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất dẫn đến 26.400 lao động mất việc và hơn 15.500 lao động khác thiếu việc làm, phải lao động cầm chừng.

Thành phố đã có hơn 21.000 lao động được giải quyết việc làm trở lại. Nhưng dự báo trong thời gian tới, sẽ có khoảng 7.500 lao động tiếp tục mất việc.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện chỉ có 40% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nắm vững nghề được đào tạo, 12% lao động nắm vững chuyên môn công việc thực tế, hầu hết lao động (kể cả lao động qua đào tạo) yếu về chuyên môn, kinh nghiệm sản xuất và trình độ ngoại ngữ-tin học.

Đây chính là nguyên nhân lớn lý giải vì sao trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp tuyển hàng nghìn chỗ làm và số lao động tìm việc tăng đột biến nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, công tác dự báo nguồn lao động hiện nay của thành phố còn bỏ ngỏ, diễn biến thông tin thị trường lao động chưa được cập nhật, đang còn hiện tượng “lệch pha” giữa người lao động và doanh nghiệp xung quanh vấn đề tìm việc-tìm người.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có một Trung tâm nào đảm nhận chức năng dự báo nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Sở Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Ủy ban Nhân dân thành phố Đề án thành lập Trung tâm dự báo nguồn nhân lực với chức năng: Cung ứng thông tin thị trường lao động (trong và ngoài nước) trên địa bàn thành phố và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối nhu cầu tìm việc của người lao động với nhu cầu tuyển dụng từ phía các doanh nghiệp... Hiện, Ủy ban Nhân dân Thành phố đang xem xét đề án trên.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại, chuyên sâu ở Thành phố Hồ Chí Minh cộng với suy giảm kinh tế năm 2009 như đã dự báo, khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh sản xuất và luôn bị đặt trong tình trạng thừa-thiếu nhân lực, mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều điều chỉnh về chế độ lương-thưởng nhằm thu hút lao động.

Sự chuyển dịch đó dẫn đến hệ quả, số lao động mất việc hoàn toàn tăng nhanh, nhiều lao động phải chuyển qua công việc khác.

Mặt khác, lao động trên địa bàn thành phố chủ yếu là lao động nhập cư, dễ thay đổi nơi lưu trú, không lâu dài về thời gian làm việc.

Theo ông Trần Anh Tuấn, việc đào tạo nghề đang còn gặp nhiều khó khăn, do chưa nắm đủ thông tin thị trường lao động nên các cơ sở đào tạo chưa dự báo và hoạch định được chiến lược đào tạo gắn kết việc làm, các tổ chức-trung tâm giới thiệu việc làm chưa thật sự hiệu quả do không cập nhật nhanh thông tin lao động. Một khó khăn nữa là do doanh nghiệp và cơ sở đào tạo thiếu tin cậy lẫn nhau, thiếu sự thống nhất giữa đăng kí tuyển chỉ tiêu và đào tạo lao động.

Trên thực tế Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với sự chuyển dịch mạnh mẽ nguồn nhân lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục