TP.HCM còn 1.600 hồ sơ chưa được trao trả cho cán bộ đi B

Trong số 1.920 tài liệu hồ sơ của cán bộ đi B, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới tập hợp được 254 địa chỉ liên lạc của cán bộ đi B và thân nhân.
TP.HCM còn 1.600 hồ sơ chưa được trao trả cho cán bộ đi B ảnh 1Một triển lãm các hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Nhằm tri ân đối với sự hy sinh, cống hiến của cán bộ đi B trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sáng 25/7, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ trao trả tài liệu, hồ sơ cho 100 cán bộ đi B và thân nhân cán bộ đi B, đại diện cho gần 2.000 cán bộ đi B của thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2013, Sở Nội vụ thành phố đã tiếp nhận 1.920 tài liệu hồ sơ của cán bộ đi B từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Đây là những hồ sơ của các cán bộ, chiến sỹ ưu tú của miền Nam lên đường tập kết ra Bắc học tập, công tác theo chủ trương của Đảng sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Sau đó, các cán bộ, chiến sỹ lần lượt được cử về miền Nam để tăng cường chi viện trực tiếp cho Cách mạng miền Nam.

Trước khi đi vào Nam chiến đấu, những tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ quản lý, trong đó có hồ sơ cán bộ đi B của khu vực Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau khi tiếp nhận số hồ sơ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã giao cho Chi cục Văn thư-Lưu trữ tiến hành kiểm tra tài liệu, nhập mục lục hồ sơ, đưa vào hộp và sắp xếp bảo quản khối tài liệu quý giá này. Tuy nhiên, công việc tìm kiếm để xác định địa chỉ của cán bộ đi B gặp khó khăn do thông tin quê quán đã thay đổi, do chia tách các quận, huyện trong thành phố. Chính vì vậy, đến nay thành phố chỉ mới tập hợp được 254 địa chỉ liên lạc của cán bộ đi B và thân nhân, vẫn còn hơn 1.600 hồ sơ, tài liệu cần được xác minh và trao trả.

Trải qua gần 60 năm kể từ ngày cán bộ, chiến sỹ trở về miền Nam chiến đấu, nhiều cán bộ đi B đã hy sinh tại chiến trường hoặc đã từ trần sau ngày đất nước thống nhất.

Trong hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B, ngoài tài liệu phản ánh những thông tin cá nhân như sơ yếu lý lịch, thẻ cán bộ, thẻ Đảng, thẻ Đoàn... còn có các kỷ vật như huân chương, huy chương, bằng khen, giấy khen, sổ tay, nhật ký...

Theo ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, những hồ sơ, kỷ vật này không chỉ lưu lại những thông tin cá nhân, phản ánh một phần quá trình phấn đấu, hoạt động của từng cá nhân mà còn là một nguồn sử liệu vô giá, là minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc gắn với tên tuổi của từng con người, của hàng vạn người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán, con xa cha mẹ, vợ xa chồng...

Sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ đi B đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là minh chứng về một giai đoạn hào hùng mà nhân dân Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định ngày xưa, nay là Thành phố Hồ Chí Minh đã không tiếc máu xương hy sinh vì nghĩa lớn.

Khối tài liệu còn có ý nghĩa và giá trị tinh thần rất lớn đối với cán bộ đi B và gia đình có người đi B, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, giúp những cán bộ đi B, thân nhân tìm được giấy tờ để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước.

Trong thời gian tới, Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, các quận, huyện và một số tỉnh thành lân cận tìm kiếm thông tin, địa chỉ của cán bộ đi B đồng thời, công bố danh sách cán bộ đi B trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người được biết và sẽ tổ chức trao tài liệu, hồ sơ đến tận tay cán bộ đi B hoặc thân nhân của cán bộ đi B./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục