TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, UBND TP.HCM quyết định tạm hoãn đợt cao điểm cải cách hành chính theo chủ đề năm 2021 là Năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”
TP.HCM đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch ảnh 1Khu vực Nhà thờ Đức Bà, quận 1 khá văng vẻ. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.

Để nền hành chính công hoạt động không bị gián đoạn, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời ổn định và phát triển kinh tế, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác cải cách hành chính, trong đó gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tạm hoãn đợt cao điểm cải cách hành chính nhằm thực hiện chủ đề năm 2021 là Năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.” Thay vào đó, Thành phố xác định trong 6 tháng còn lại của năm 2021, công tác cải cách hành chính sẽ tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thay đổi phương thức làm việc để phù hợp với tình hình.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân Thành phố, các sở ngành, quận huyện đều đã thực hiện bố trí hạn chế đến mức thấp nhất số người đến cơ quan, đơn vị nhưng không để công việc bị đình trệ, đảm bảo thời hạn giải quyết công việc theo quy định; tăng cường việc tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích.

Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 8 lĩnh vực gồm tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm, giao thông vận tải, xây dựng, nông nghiệp, kế hoạch và đầu tư, an toàn vệ sinh thực phẩm, lao động; đồng thời, xây dựng bản đồ số COVID-19 nhằm phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin, dữ liệu dịch tễ.

Để đáp ứng nhu cầu cấp phép xây dựng của người dân, hướng đến mục tiêu 100% hồ sơ cấp phép xây dựng được thực hiện trực tuyến cấp độ 4 cũng như đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 5/7 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức triển khai cấp Giấy phép xây dựng trực tuyến trên địa bàn.

[Thủ tướng: TP.HCM cần rút kinh nghiệm từ các biện pháp giãn cách]

Các cá nhân, tổ chức có nhu cầu xây dựng nhà ở và tham gia hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, xây dựng có thể sử dụng phần mềm cấp phép xây dựng trực tuyến thông qua website: tpthuduc-cpxd.thongtinquyhoach.vn.

Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức lưu ý bản vẽ xin phép xây dựng thể hiện theo khổ giấy A3 nhằm thuận lợi trong việc scan thành file PDF để đính kèm hồ sơ trên phần mềm. Sau khi hoàn thành việc nộp hồ sơ, người dân có thể tra cứu tình trạng hồ sơ bằng chức năng “Tra cứu hồ sơ" tại trang chủ. Khi Giấy phép xây dựng được phê duyệt, người dân sẽ nhận được tin nhắn qua điện thoại và thư điện tử chứa đường dẫn để truy cập tiến hành thanh toán lệ phí qua cổng thanh toán trực tuyến.

Không chỉ tập trung trước mắt công tác phòng, chống dịch COVID-19, về lâu dài, cải cách hành chính tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 là Năm “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Từ nay đến cuối năm 2021, Ủy ban Nhân dân Thành phố xác định nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế phối hợp, cơ chế một cửa liên thông giữa sở-ban-ngành-Ủy ban Nhân dân các cấp; nâng cao công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Thành phố.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân Thành phố tăng cường kiểm tra cải cách hành chính theo hướng đột xuất, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Thành phố đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, gia tăng số lượng thủ tục hành chính đủ điều kiện tích hợp lên môi trường mạng cũng như thường xuyên theo dõi, có giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn.

Trong khi đó, để cải thiện Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (chỉ số PAPI), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra mục tiêu trong năm 2021 nằm trong nhóm 16, tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao, đến năm 2022 xếp vào nhóm 16 tỉnh, thành đạt điểm cao nhất. Nhằm đạt được mục tiêu này, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân quận huyện, thành phố Thủ Đức triển khai nhiều biện pháp nâng cao trách nhiệm của công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân, hạn chế hồ sơ trễ hạn, kịp thời xử lý các biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức.

Đối với Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu minh bạch thông tin về chính sách, pháp luật trên địa bàn; cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin về quy hoạch sử dụng đất và giá đất; mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin và phản hồi của người dân về các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, đặc biệt là các thái độ hạch sách, tiêu cực trong tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục