TP.HCM: Dồi dào các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết Đoan Ngọ

Các mặt hàng như lá xông, bánh ú tro, cơm rượu, xôi vò, hoa tươi... được các nhà kinh doanh, bán lẻ chuẩn bị khá dồi dào nên giá cả tăng không đáng kể so với năm ngoái.
Món rượu nếp (cơm rượu) đặc trưng của Tết Đoan ngọ. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)
Món rượu nếp (cơm rượu) đặc trưng của Tết Đoan ngọ. (Ảnh: Nhật Anh/TTXVN)

Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/6 (tức nhằm ngày 5/5-Tết Đoan Ngọ) cho thấy, thị trường thực phẩm sôi động và sức mua tăng cao hơn ngày bình thường. Có những ngành hàng có sức mua tăng gấp đôi như trái cây, hoa tươi cắt cành...

Theo văn hóa người Việt, cứ mỗi năm đến dịp Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người dân thường chuẩn bị lễ cúng với đa dạng sản vật như lá xông, bánh ú tro, cơm rượu, xôi vò...

Chính vì vậy, hầu hết nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh đều tăng nguồn cung hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường và tung ra những sản phẩm chất lượng để tạo điều kiện cho người dân mua sắm.

Điển hình, dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra... thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã chuẩn bị dồi dào nguồn cung bánh ú tro, trái cây...

Tại những điểm bán này, sản phẩm bánh ú tro có giá bán 6.100 đồng/cái, trong khi đó mặt hàng vải thiều loại 1 có giá khuyến mãi 36.500 đồng/kg.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing của Saigon Co.op cho biết, đối với mặt hàng trái cây thì hệ thống này đã tăng 50-60% so với ngày thường.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tăng nguồn cung những mặt hàng đặc sản phục vụ Tết Đoan Ngọ như cơm rượu, xôi vò, hoa tươi cắt cành... được cung cấp từ đơn vị sản xuất, chế biến uy tín trong nước.

Tương tự, tại mạng lưới chợ truyền thống, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm chế biến đặc sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng giới thiệu ra thị trường đa dạng sản phẩm mới phục vụ dịp này.

Cụ thể, mặt hàng bánh ú tro có nhiều chủng loại với các mức giá khác nhau. Người tiêu dùng có thể tìm mua bánh u tro nhân đậu xanh, đậu xanh sầu riêng, thập cẩm...

Thị trường năm nay có một số loại bánh phục vụ cho những nhóm đối tượng khách hàng riêng biệt như bánh không nhân, nhân mặn.

Ở các chợ như Bến Thành, Tân Định, Nguyễn Văn Trỗi, Thị Nghè, Hòa Hưng... bánh u tro loại nhỏ được bán với mức giá phổ biến là 50.000 đồng/chục (10 cái); loại vừa 80.000 đồng/chục; loại lớn hoặc đặc biệt dao động từ 100.000-120.000 đồng/chục.

[Bánh Gio - món ăn dân dã, mộc mạc giữa phố phường đô hội]

Cùng với đó, mặt hàng cơm rượu, xôi vò... được bán với giá ổn định như ngày thường là 60.000 đồng/kg.

Còn hoa tươi cắt cành dao động ở mức giá 35.000-50.000 đồng/bó, gồm cúc, đồng tiền, cẩm chướng, cát tường... Riêng mặt hàng lá xông được bán với giá 10.000 đồng/bó.

Chị Mỹ Trang, nhân viên văn phòng tại Quận 1 cho biết, dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, đa số mặt hàng đều có giá bán tăng không đáng kể so với năm trước. Nguồn cung hàng hóa về thị trường Thành phố Hồ Chí Minh dồi dào, chất lượng và có nhiều hoạt động khuyến mãi.

"Những mặt hàng như quýt đường chỉ có giá bán 30.000 đồng/kg, thanh long 15.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 25.000 đồng/kg, bưởi da xanh 55.000 đồng/kg, trái vải 40.000 đồng/kg... Do đó, người tiêu dùng có thể chọn lựa những sản phẩm phù hợp với giá phải chăng," chị Mỹ Trang chia sẻ thêm.

Thị trường Tết Đoan Ngọ năm nay, còn có sự tham gia sôi nổi của nhiều đơn vị bán hàng online.

Với lợi thế giao hàng tận nơi và nguồn cung tự sản xuất, nên nhiều đơn vị bán hàng online dễ dàng chiếm lĩnh thị phần và có lượng khách hàng thân thiết dồi dào.

Anh Hoàng Tùng, cư ngụ tại quận Bình Thạnh cho hay, kênh bán hàng online của cửa hàng phục vụ khách hàng chủ yếu những mặt hàng thời vụ hoặc sản phẩm theo mùa.

Vì vậy, mặt hàng bánh ú tro, cơm rượu, xôi vò... đã được cửa hàng giới thiệu đến khách hàng từ khá sớm và nhận đơn hàng đặt trước.

Tính đến thời điểm này, cửa hàng đã bán hàng trăm bánh ú tro thông qua kênh bán hàng online.

Một số thương nhân khác cũng cho hay, hiện nay xu hướng tiêu dùng tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi khá nhiều so với thời điểm trước khi diễn ra dịch bệnh.

Do đó, nhà bán lẻ, thương nhân không ngừng nỗ lực len lỏi vào những nhóm cộng đồng dân cư trên mạng xã hội như zalo, facebook... để tiếp thị hàng hóa và nhận đơn hàng. Thông qua đó, nhiều đơn vị duy trì song song phương thức kinh doanh truyền thống và bán hàng online để tăng doanh số, cũng như giữ chân khách hàng thân thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục