TP.HCM liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL

Năm 2022, tổng lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 44 triệu lượt, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9%.
TP.HCM liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Hội nghị tổng kết triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 diễn ra ngày 16/12, tại An Giang.

Hội nghị do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Nhân dân 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, động lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ thuận lợi tiếp giáp với các vùng trên cả nước, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ năm 2019, Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long được triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách cũng như doanh thu sụt giảm, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu, tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng GRDP của mỗi tỉnh, thành phố.

Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, năm 2022, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch (Famtrip), kết nối doanh nghiệp du lịch-lữ hành của Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ với 13 đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút khoảng 500 lượt doanh nghiệp du lịch-lữ hành tham gia kết nối. Từ đó, ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc trở lại.

[Liên kết phát triển du lịch bền vững: Định vị sản phẩm đặc sắc]

Qua thống kê, năm 2022, tổng lượng khách đến Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 44 triệu lượt, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, khách lưu trú đạt gần 12 triệu lượt, tăng 138,9%.

Doanh thu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 33.977 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần. Du lịch góp phần tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng chục ngàn người dân Đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.

TP.HCM liên kết phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL ảnh 2Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá khách nội địa vẫn là thị trường trọng điểm, chiếm 2/3 lượng khách đến Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với lợi thế thỏa thuận liên kết du lịch đã ký kết, các tỉnh, thành phố cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách hai chiều.

Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa đến vùng liên kết khác trên cả nước.

Các nội dung hợp tác góp phần thúc đẩy du lịch vùng chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và người dân 14 địa phương trong liên kết.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng để thúc đẩy du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, thời gian tới, các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức đánh giá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch trong chương trình du lịch kết nối; hỗ trợ nội dung hoàn thiện điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch để kết nối với doanh nghiệp lữ hành.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng sản phẩm, chương trình kích cầu du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chưa mới và hấp dẫn.

Chương trình quảng bá, xúc tiến của cơ quan quản lý nhà nước sau đại dịch COVID-19 tại các thị trường còn ít, dẫn đến thông tin chính thức về chính sách mở cửa du lịch Việt Nam đến khách quốc tế chưa đầy đủ.

Trước thực tế trên, bà Phan Thị Thắng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác, tăng cường xây dựng sản phẩm liên tuyến mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần thúc đẩy hoạt động giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới đến doanh nghiệp và du khách thông qua kênh thông tin quảng bá của 14 tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, tăng cường quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến thị trường trong nước trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch của các địa phương nhằm thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành phố khác tới trải nghiệm chương trình du lịch liên kết vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục