TP.HCM tăng cường trạm y tế lưu động khi số ca F0 tăng nhanh

Tùy theo diễn biến dịch, ngành y tế TP.HCM sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở bằng nhân lực y tế của thành phố nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà.
TP.HCM tăng cường trạm y tế lưu động khi số ca F0 tăng nhanh ảnh 1Nhân viên y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Vietnam+)

Trong những ngày vừa qua, số ca mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, một số huyện ngoại thành đã tăng cấp độ dịch. Để bảo đảm việc điều trị các bệnh nhân, thành phố đã khôi phục lại các trạm y tế lưu động, tuy nhiên do lực lượng tăng cường rút quân nên tại nhiều phường, xã xảy ra tình trạng thiếu nhân lực y tế.

Lực lượng mỏng trong khi F0 tăng nhanh

Những ngày này, các nhân viên của trạm y tế xã và trạm y tế lưu động thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, đang căng mình hỗ trợ các F0 trên địa bàn. Dù nhân lực hạn chế nhưng họ phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc như lấy mẫu, chăm sóc, điều trị, phát thuốc… cho các bệnh nhân.

Theo ghi nhận trong nửa đầu tháng 11/2021 tại xã Tân Hiệp, qua test nhanh phát hiện 244 ca mắc COVID-19; trên địa bàn có 259 ca đang cách ly tại nhà, 59 ca ở khu cách ly tập trung. Xã hiện có 2 trạm y tế lưu động có thể phục vụ khoảng 80 trường hợp/ngày, trong đó Trạm Y tế lưu động tại Trường Trung học Cơ sở Đỗ Văn Dậy đang quản lý khu cách ly, phụ trách 2 ấp Tân Thới 3 và Thới Tây 1; Trạm y tế xã phụ trách ấp Tân Hòa; 3 ấp còn lại do Trạm Y tế lưu động thứ hai đảm nhận.

Bà Nguyễn Thị Mai Xuân, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn cho biết xã đang rất cần nhân sự y tế, nếu tăng cường thêm một trạm y tế lưu động sẽ giúp giảm tải áp lực cho các trạm hiện có, đồng thời có thể hỗ trợ bệnh nhân mọi lúc mọi nơi.

Tương tự, bác sỹ Trần Thị Phụng, Trưởng Trạm Y tế phường Hiệp Thành, quận 12, chia sẻ trạm gặp rất nhiều khó khăn, áp lực khi nhân lực tại trạm rất mỏng với 14 người (8 nhân viên y tế, 6 tình nguyện viên) trong khi dân số của phường trên 110.000 người. Hiện phường Hiệp Thành có 16 điểm nóng dịch, nằm rải đều ở hầu hết các khu phố.

Để ứng phó số lượng F0 trên địa bàn phường tăng cao trong khi nhân lực thiếu, những ngày qua, trạm có phát thông báo tiếp nhận những F0 tự phát hiện hoặc có kết quả dương tính tại nơi làm việc đến trạm để nhận giấy xác nhận, bản cam kết cách ly tại nhà, nhận túi thuốc.

Theo bác sỹ Trần Thị Phụng, đây là phương án bất đắc dĩ, tình huống "chữa cháy" trong thời gian chờ bổ sung trạm y tế lưu động.

Bắt đầu từ chiều 11/11, phường có thêm 2 trạm y tế lưu động thuộc Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ trạm trong việc quản lý F0 tại nhà, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân trở nặng...

Ngoài ra, việc quản lý F0 tại nhà trên địa bàn phường sẽ chuyển sang hình thức mỗi nhân viên y tế quản lý một lượng F0 nhất định (khoảng 150-200 người) thay vì quản lý theo khu phố như trước đây.

[Thành phố Hồ Chí Minh tập trung khống chế ổ dịch mới trong cộng đồng]

Còn theo ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 3, quận Gò Vấp, nhân lực tại các trạm y tế phường hiện thiếu trầm trọng, việc thành lập các trạm y tế lưu động cũng tạo áp lực cho địa phương. Trạm y tế cơ hữu của phường hiện tại chỉ có 4 người, vì thế phường phải vận động, kêu gọi thêm các y bác sỹ của các cơ sở y tế tư nhân và tình nguyện viên để hỗ trợ khi trạm y tế lưu động thành lập.

"Trong thời điểm này, nguồn nhân lực ở trên cũng thiếu nên chúng tôi tự khắc phục bằng phương châm 5 tại chỗ, đó là lực lượng tại chỗ, vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ," ông Ngô Xuân Bình nói.

Thành lập các bệnh viện dã chiến tại địa phương

Trong giai đoạn "bình thường mới," nhờ tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nên nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất, thương mại, vui chơi giải trí… cơ bản khôi phục. Hầu hết người dân đã thích ứng an toàn, linh hoạt. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn có thái độ chủ quan, lơ là, đây chính là nguyên nhân làm gia tăng các ca mắc tại địa phương.

Ông Ngô Xuân Bình cho biết trên địa bàn phường cũng xuất hiện nhiều người dân có tâm lý chủ quan. Mặt khác, một số doanh nghiệp sau khi test cho người lao động có kết quả dương tính rồi cho về nhà nhưng không khai báo nên địa phương khó kiểm soát. Thời gian qua, phường lập nhiều tổ công tác, tăng cường tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Từ đầu tháng 11 đến nay, phường đã xử phạt khoảng 10 trường hợp vi phạm.

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng nhanh ở một số địa bàn, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các bệnh viện cấp thành phố điều động lực lượng xuống hỗ trợ các trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y chi viện cho thành phố rút dần.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, mô hình trạm y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong việc theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà ở thời điểm dịch căng thẳng nhất.

Hiện các trạm y tế lưu động có sự hỗ trợ lực lượng từ Trung ương và các địa phương khác đã rút bớt theo lộ trình, tuy nhiên vừa qua khi số ca F0 tăng lên, Sở đã tổ chức tăng cường 70 trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp.

Tùy theo diễn biến dịch, ngành y tế thành phố sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở bằng nhân lực y tế của thành phố, theo cơ cấu mỗi trạm 1 bác sỹ, 1-2 điều dưỡng và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà.

TP.HCM tăng cường trạm y tế lưu động khi số ca F0 tăng nhanh ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Bên cạnh đó, ngành y tế Thành phố đã củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, nhất là các khu vực có số F0 tăng cao. Sở đề nghị thành lập 8 bệnh viện dã chiến cấp quận/huyện (tương đương tầng điều trị thứ 2) với quy mô mỗi bệnh viện khoảng 300 giường.

Các bệnh viện này sẽ thay thế cho các bệnh viện dã chiến cấp thành phố đã đóng cửa trước đó trong việc thu dung, điều trị các F0 có triệu chứng. Đồng thời, thành phố tổ chức lại các trạm y tế lưu động ở cấp phường, xã tại khu vực có số F0 tăng cao.

Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cũng thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19. Đây là cầu nối giữa HCDC và quận, huyện, phường, xã để phối hợp nhịp nhàng, liền mạch trong hệ thống chống dịch, nhằm khống chế và triệt tiêu các ổ dịch nhanh nhất có thể.

Về việc củng cố hệ thống y tế, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy đề nghị Sở Y tế tiếp tục hoàn thiện các quy định, kịp thời báo cáo cấp trên, trong đó cần đề cập chế độ chính sách trạm y tế, tổ y tế cộng đồng; phương án huy động sức mạnh các nguồn lực công-tư, thiện nguyện; quy định rõ về vaccine, xét nghiệm, thuốc, đường dây nóng...

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn F0 cách ly tại nhà cần được thực hiện rõ ràng, giúp người dân hiểu nên làm gì khi biết bản thân nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần rà soát, kiểm tra số F0 đang điều trị tại nhà để quản lý và hỗ trợ; các địa phương cần tính toán phục hồi lại các bệnh viện dã chiến.

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, số ca F0 là lao động tự do, sinh sống tại khu nhà trọ không đủ điều kiện cách ly tại nhà còn rất nhiều; cần được quan tâm sát đời sống, nhu cầu thực tế của người dân, đặt người dân là mục tiêu, trung tâm để phục vụ, tạo thuận lợi cho người dân trong đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị chính quyền cần cụ thể hóa các quy định. Tại các cơ sở kinh doanh, cần có bộ tiêu chí kiểm soát cụ thể, quy định rõ ràng chủ cửa hàng phải làm gì, khách đến cửa hàng kiểm soát ra sao, giám sát như thế nào, khi vi phạm sẽ xử lý những gì… từ đó, mỗi người biết được nhiệm vụ của bản thân để thực hiện đúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục