TP.HCM: Thách thức về hạ tầng trong đón đầu dịch chuyển chuỗi cung ứng

Để đón đầu các chuỗi cung ứng, tăng cường triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, TP.HCM cần đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư 6 dự án xây dựng trung tâm logistics.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Phước Long ICD, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Phước Long ICD, phường Phước Long A, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Việt Nam có nhiều cơ hội đón làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trong thời gian tới, do đó để đón đầu, Việt Nam cần tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nâng công suất bốc dỡ và kho chứa cảng biển; hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tại Thành phố Hồ Chí Minh tầm cỡ khu vực.

Nội dung này được nêu ra tại Diễn đàn logistics Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 với chủ đề "Dịch chuyển chuỗi cung ứng: Triển vọng và thách thức" do Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh (HLA) tổ chức chiều 29/11.

Theo ông Nguyễn Công Luân, Phó Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu thuộc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động logistics Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn rất nhiều thách thức. Vận tải đường bộ vẫn là phương thức hoạt động vận tải chính, nhưng hạ tầng đường bộ đang quá tải, xuống cấp.

Theo tính toán, khoảng 20% số đường bộ tại Việt Nam được xây dựng hiện đại và đáp ứng được yêu cầu của ngành logistics; trong khi hơn 50% số đường bộ ở tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho vận chuyển hàng hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 9.600 doanh nghiệp đăng ký ngành dịch vụ logistics, chiếm 36,7% cả nước; thành phố cũng chiếm tỷ trọng 54% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của Việt Nam với khoảng 2.700 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, hậu cần, logistics, qua đó giúp Thành phố Hồ Chí Minh duy trì vị thế là địa phương dẫn đầu về logistics trong khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại. Hiện thành phố chỉ có 1 dự án Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao được cấp phép trong tháng 6/2023. Theo kết quả thống kê của Trường Đại học Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố chỉ có 1.500 kho; trong đó có 30 kho lạnh đạt chuẩn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo ông Luân, để đón đầu các chuỗi cung ứng, cần tăng cường triển khai dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, nhất là trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thông qua đẩy nhanh tiến độ kêu gọi đầu tư của 6 dự án xây dựng trung tâm logistics tại thành phố Thủ Đức, phường Long Bình, Linh Trung, Cái Lát-Phú Hữu; huyện Bình Chánh (xã Tân Kiên), huyện Củ Chi (xã Bình Mỹ) và huyện Nhà Bè (xã Hiệp Phước).

Ở cấp độ vùng Đông Nam Bộ, tập trung phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại Thành phố Hồ Chí Minh; tỉnh Bình Dương; Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai); thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) và tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

ttxvn_nganh logistics.jpg
Tàu mẹ trọng tải 200.000 DWT cập cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo bảng xếp hạng Agility 2023, Việt Nam lọt Top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2023 cho thấy, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

Bà Giang Vũ, đồng Chủ tịch Ủy ban sản xuất Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Việt Nam, cho rằng các hiệp định thương mại song phương, đa phương tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng liên tục cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, bảo vệ môi trường, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và có những bước đi chủ động để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đó là những điểm sáng mà Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ để tạo ra các lợi thế cạnh tranh.

Theo bà Giang Vũ, Việt Nam không phải lựa chọn duy nhất trong chuyển dịch chuỗi cung ứng. Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hệ thống vận tải, bao gồm cảng biển, sân bay, đường bộ. Tuy nhiên, hạ tầng cơ sở vẫn còn nhiều thách thức và cần cải thiện. Chỉ số hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới năm 2023 xếp Việt Nam thứ 50, sau Ấn Độ (thứ 38), Trung Quốc (thứ 20)…

Bàn về thách thức trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch Công ty Trách nhiệm hữu hạn PwC Việt Nam (chuyên cung cấp các loại hình dịch vụ chuyên nghiệp), chi phí hậu cần cao và nhiều khâu trung gian trong quá trình sản xuất hàng hóa làm tăng thêm chi phí. Ngoài ra, sự kết nối giữa các phương thức vận tải khác nhau còn yếu; cơ sở hạ tầng của Việt Nam mới đang dần phát triển.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng thảo luận về cơ hội và thách thức khi đầu tư và dịch chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình và tận dụng cơ hội, tối ưu hóa quá trình đầu tư và phát triển tại khu vực này; nêu ra một số định hướng để nắm bắt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục