TP.HCM: Triển khai 55 công trình chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xét chọn, công nhận 50 chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố; đồng thời lựa chọn để gắn biển thi đua chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam.
TP.HCM: Triển khai 55 công trình chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Thành phố định hướng có 55 công trình và bắt đầu triển khai kế hoạch thi đua từ ngày 10/8.

Theo kế hoạch, địa phương sẽ thực hiện các chương trình, công trình, dự án cấp thành phố trên 6 nhóm lĩnh vực: văn hóa-xã hội (18 chương trình, công trình, dự án); kinh tế (6 chương trình, công trình, dự án); đô thị (19 chương trình, công trình, dự án); khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo (4 công trình, dự án); cải cách hành chính (3 đề án); quốc phòng-an ninh, đối ngoại (chương trình, công trình, dự án).

Các chương trình, công trình, dự án này được triển khai thi đua để hoàn thành hoặc khởi công dịp 30/4/2025.

Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, nổi bật là chương trình sáng tác văn học nghệ thuật, công trình xây dựng các thiết chế văn hóa; công trình xây dựng, mở rộng các bảo tàng gắn với xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh; xây dựng và trang bị các bệnh viện cửa ngõ; Đề án xây dựng Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe khu vực ASEAN tại thành phố; công trình xây dựng 4.500 phòng học.

Lĩnh vực kinh tế có đề án thành lập Trung tâm Tài chính Quốc tế tại thành phố; chương trình phát triển các trung tâm logistics; chương trình phát triển hạ tầng khu công nghiệp…

Lĩnh vực cải cách hành chính có Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức của thành phố ngang tầm nhiệm vụ và xây dựng nền công vụ ưu tú; hệ thống dịch vụ số dành cho công dân thành phố; xây dựng Chính quyền Số thành phố.

[Loạt cơ chế, chính sách để TP.HCM là đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế]

Lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo tiêu biểu có công trình Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố; Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo thành phố.

Lĩnh vực an ninh-quốc phòng, đối ngoại có công trình xây dựng Công viên Hữu nghị Quốc tế Thành phố; công trình “Vì Trường Sa xanh”; chương trình Thành phố nghĩa tình; đề xuất UNESCO công nhận Di tích Địa đạo Củ Chi là Di sản Thế giới.

Lĩnh vực đô thị có chương trình phát triển nhà ở thành phố; công trình “Sông Sài Gòn - Con sông của thành phố tôi”; các dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2; dự án nút giao An Phú; Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; các dự án giảm kẹt xe khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng Quốc lộ 50; các dự án khép kín Vành đai 2; dự án Vành đai 3, Vành đai 4; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ; Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý danh sách các chương trình, công trình, dự án này chỉ có tính định hướng; trong thời gian thực hiện có thể bổ sung các công trình đạt tiêu chí, có ý nghĩa khác (nhất là có tính chất an sinh xã hội).

Thành phố sẽ xét chọn, công nhận 50 chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố; đồng thời xem xét, lựa chọn để gắn biển thi đua chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp thành phố là các công trình, hoạt động có tác động lớn đến đời sống dân sinh của người dân và sự phát triển của địa phương. Do đó, quá trình thực hiện phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục