​TP.HCM "tung" nhiều biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của người dân

Trong năm 2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của người dân gắn với phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
​TP.HCM "tung" nhiều biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của người dân ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ thông tin cá nhân và xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân của người dân; hạn chế tình trạng "tấn công" của các cuộc gọi rác, lừa đảo và tin nhắn rác thông qua SIM điện thoại không chính chủ.

Đây là khẳng định của Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu - Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tại buổi họp cung cấp thông tin định kỳ trên địa bàn, do Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức chiều 9/11.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, được cả thế giới quan tâm, đặc biệt trong quá trình Chuyển đổi Số hiện nay. Đây cũng là thực tiễn rất cấp bách được đặt ra ở Việt Nam cũng như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

Trong năm 2023, Công an thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công an về bảo vệ thông tin cá nhân, trong đó tập trung vào việc phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và các sở, ban, ngành thành phố để triển khai các giải pháp về bảo vệ bí mật nhà nước và bảo vệ an toàn thông tin cho các dự án liên quan đến Chuyển đổi Số, thực hiện Đề án 06 và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ công tác cải cách hành chính.

Đồng thời, Công an thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân gắn với phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng trên cơ sở tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật có liên quan bảo vệ dữ liệu cá nhân, như: Luật An ninh mạng 2018, Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh Mạng, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân.

Công an thành phố nâng cao công tác tuyên truyền các quy định này đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tổ chức nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các hành vi thu thập, mua bán, trao đổi trái phép dữ liệu cá nhân, dữ liệu số theo quy định pháp luật.

Công an thành phố cũng đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng luật bảo vệ dữ liệu cá nhân; đề xuất bổ sung sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015 thêm tội danh “Làm lộ dữ liệu cá nhân...”

[Cẩn trọng lộ, lọt thông tin cá nhân trên những ứng dụng mới]

Kết quả xử lý, thời gian vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ba vụ, xử lý 14 đối tượng liên quan đến hành vi sử dụng dữ liệu cá nhân không đúng quy định pháp luật; trong đó chủ trì, đấu tranh ba đối tượng liên quan hành vi mua bán tài khoản ngân hàng, một đối tượng mua bán giấy tờ giả.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Công an thành phố Đà Nẵng đấu tranh, xử lý chín đối tượng có hành vi mua bán tài khoản ngân hàng.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiết lộ và mua bán thông tin cá nhân đang diễn biến phức tạp hiện nay, theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, do hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Một số tổ chức có hoạt động thu thập dữ liệu chưa đảm bảo vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định pháp luật hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân trái với mục đích thu thập, tự ý cung cấp cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu.

Ngoài ra, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm thu thập dữ liệu cá nhân đang ngày càng tinh vi, phức tạp; việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật, phần mềm để khai thác, thu thập các nguồn dữ liệu trên không gian mạng ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều đối tượng tội phạm giả mạo các thương hiệu, cơ quan, tổ chức có uy tín để tiến hành tạo lập các “biểu mẫu giả mạo” nhằm dụ dỗ người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân. Một số đối tượng là nhân viên các tổ chức, doanh nghiệp cố ý đánh cắp, chiếm đoạt thông tin của khách hàng, đối tác để mua bán, trao đổi...

Mặt khác, ý thức của chính chủ thể dữ liệu cá nhân hiện nay cũng chưa cao.

Trên thực tế, nhiều người dân hiện có xu hướng chia sẻ về dữ liệu cá nhân của mình trong đời sống hàng ngày, thậm chí đăng tải công khai dữ liệu về trạng thái, vị trí, công việc, hình ảnh, thông tin đời tư, quan hệ gia đình… của bản thân lên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều người cung cấp dữ liệu cá nhân của bản thân cho các “chủ thể không uy tín” trên mạng mà không kiểm chứng, xác thực rõ ràng trước khi cung cấp.

​TP.HCM "tung" nhiều biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của người dân ảnh 2Việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng. (Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN)

Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên công khai các thông tin cá nhân như ngày sinh; số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... tùy tiện trên không gian mạng.

Người dân cũng không tùy tiện đăng nhập tài khoản mạng xã hội Facebook, Gmail... của bản thân trên các website, ứng dụng không phải do các nhà phát hành mạng xã hội cung cấp để tránh bị các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, người dân cần chọn lọc những thông tin có thể chia sẻ công khai.

Đối với các loại tài khoản số, chủ tài khoản cần chú ý việc bảo mật tài khoản, tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mã OTP xác thực các loại tài khoản cho người khác; khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng Internet Banking khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ hoặc khi chưa có nhu cầu sử dụng; chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của ngân hàng.

Nếu người dân đã lỡ bấm vào link lừa đảo và tiết lộ thông tin thì ngay lập tức tiến hành liên hệ đến tổng đài hỗ trợ của ngân hàng hoặc soạn tin nhắn theo cú pháp khóa khẩn cấp đã được chỉ định trước đó để được hướng dẫn thêm.

Các tổ chức cơ quan, doanh nghiệp khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật tại Nghị định 53/2022/NĐ-CP và Nghị định 13/2023/NĐ-CP; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin của cơ quan, doanh nghiệp; thực hiện nghiêm quy định đánh giá tác động về bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoạt động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài theo đúng quy định pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục