Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay khi quyết định ghép tim, gan cùng lúc cho bệnh nhân đang ở trong tình trạng cấp cứu, cơ hội sống chỉ tính bằng 1-2 ngày khi tim phổi, gan đều phải nhờ đến máy móc chạy thay, khi đó các bác sỹ chỉ dám nghĩ cơ hội thành công chỉ 20%.
Dù cơ hội là ít ỏi, các bác sỹ của bệnh viện hết sức “cân não” dù nhiều khó khăn vẫn vẫn đưa ra quyết định cuối cùng, tận dụng mọi cơ hội và nỗ lực cố gắng tiến hành ghép đồng thời tim-gan mang lại một hy vọng mới cho bệnh nhân.
Hồi sinh cho bệnh nhân chỉ sống được vài ngày
Bệnh nhân Đ.V.H (41 tuổi) phát hiện bệnh cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Cách đây 1 tuần, người bệnh nhập viện tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng suy tim cấp cứu.
Xây dựng quy trình vận động hiến tặng và ghép mô, tạng minh bạch
Số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp, vì vậy cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản liên quan đến công tác hiến ghép mô tạng.
Ngày 30/9/2024, người bệnh suy tim trong tình trạng không đáp ứng phương pháp điều trị thông thường, đặc biệt suy gan phát triển cấp tính, thận theo đó cũng bị ảnh hưởng. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân H. có tình trạng đông máu rối loạn nghiêm trọng, sự sống của được tính theo ngày, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan.
Cũng tại thời điểm ngày 30/9, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An (là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về ngoại khoa, được chuyển giao các gói ghép từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) có một bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn kỳ vọng sống. Gia đình bệnh nhân có nguyện vọng hiến tạng của người thân.
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An yêu cầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hỗ trợ về chuyên môn. Ngay khi nhận được thông tin, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử nhóm tăng cường hỗ trợ hồi sức cho người bệnh, đánh giá tình trạng chết não và tình trạng các tạng trong trường hợp có thể lấy được tạng.
Trưa 1/10, các bác sỹ xác định bệnh nhân chết não và các tạng của bệnh nhân có thể sử dụng để ghép cho những người bệnh khác.
Sau đó, cuộc họp của hội đồng chuyên môn do Tiến sỹ Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện triệu tập gấp chuyên gia trong các lĩnh vực: hồi sức, tim mạch, gan, thận tham gia hội chẩn. Đây thực sự là một ca phẫu thuật cần cân nhắc các tình huống do tình trạng bệnh nhân cả gan-tim-thận đều suy ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không được ghép. Đây là trường hợp hết sức khó khăn, tuy nhiên Hội đồng khoa học bệnh viện quyết định vẫn tiến hành ghép để mang lại hi vọng sống cho người bệnh. Ngay sau khi quyết định ghép được ban hành, các bộ phận đã khẩn trương vào cuộc.
Các bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chia 2 nhóm. Một nhóm ở lại giúp cho Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thực hiện đồng thời 2 ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, nhóm còn lại nhanh chóng khẩn trương đưa tạng lấy được về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau hơn 3h30 phút di chuyển, tạng đã được đưa về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trái tim và gan mới đã được cấy ghép vào cơ thể người bệnh. Sau 8 tiếng phẫu thuật, trái tim ghép đã bắt đầu được đập trở lại.
Sau ghép, bệnh nhân được chuyển về hồi sức và chăm sóc đặc biệt. Sau 36 tiếng, các chức năng gan-tim đã hồi phục dần. Đặc biệt trái tim đã thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng, các chức năng gan tốt dần lên. Bệnh nhân được rút nội khí quản, tỉnh táo. Hiện tại, bệnh nhân đã có thể nói chuyện, tiếp xúc, cho ăn uống trở lại, chức năng tim tốt lên hàng ngày, chức năng gan hồi phục gần trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt.
Phó giáo sư Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê - Hồi sức cho biết dù ghép tạng đã trở thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhưng với ca đầu tiên, cùng lúc ghép 2 tạng lớn tim, gan trên một bệnh nhân rất nặng, việc gây mê, hồi sức nhiều rủi ro, áp lực. Bệnh viện cử ekip vào Nghệ An hỗ trợ hồi sức bệnh nhân trước hiến tạng. Bệnh viện đã huy động toàn bộ chuyên gia nhiều kinh nghiệm nhất, mời chuyên gia đầu ngành chỉ huy chuyên môn về hồi sức. Vì vậy, bệnh nhân được kiểm soát hoàn toàn chức năng tạng ghép trong và sau mổ.
Lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam
Phó giáo sư Nguyễn Tiến Quyết - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ đây là ca ghép đa tạng đồng thời tim gan đầu tiên tại Việt Nam. Trên thế giới, ca đầu tiên được thực hiện vào năm 1984 ở Mỹ, các bác sĩ mất 11-12 tiếng để phẫu thuật. Tới nay, vẫn chưa nhiều ca ghép đa tạng khó như này có thể được thực hiện.
Trong ngày 9/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm, động viên người bệnh và thân nhân ca ghép đồng thời tim-gan lần đầu tiên thực hiện thành công tại Việt Nam và chúc mừng các y bác sỹ của bệnh viện.
"Tôi được biết từ năm 1993 đến nay Việt Nam đã thực hiện thành công trên 8.000 ca ghép tạng, tuy nhiên, đây là ca đầu tiên các thầy thuốc của chúng ta thực hiện thành công ghép 2 tạng khó đồng thời tim-gan. Việc thực hiện thành công ca ghép hai tạng khó cùng lúc đã thể hiện quyết tâm làm chủ kỹ thuật cao để mang lại sự sống cho người bệnh của các y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức," Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bộ Y tế đánh giá cao kết quả này. Thành công của ca ghép đồng thời tim-gan lần đầu tiên thêm khẳng định trình độ chuyên môn, tay nghề làm chủ kỹ thuật cao, khó trong ghép tạng của các y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã không chỉ làm hồi sinh sự sống cho bệnh nhân mà còn mang đến hy vọng cho gia đình, dòng họ của người bệnh.
Chia sẻ thêm về ca ghép tạng đặc biệt này, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết người hiến tạng, người nhận tạng, đó là một nhân duyên. Người được nhận tạng là người nông dân vốn mắc bệnh nặng, gia đình rất khó khăn. Tài sản vợ chồng bệnh nhân mang đi viện tổng có 400 triệu, nhưng không thể vì không đủ tiền, khi mà bệnh nhân có cơ hội sống, bác sỹ lại bỏ qua cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân.
"Vì thế, dù còn một tia hi vọng nhỏ cho bệnh nhân, chúng tôi cũng cố. Trong suốt từ thời điểm đưa ra quyết định, tôi chưa một lần nghĩ các bác sĩ thất bại. Bởi cả Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện đã nhấc lên đặt xuống cả 100 lần, tính toán tất cả phương án, và chúng tôi tự tin vào quyết định, vào tay nghề của các bác sỹ,” Tiến sỹ Dương Đức Hùng nhấn mạnh.
Thành công của ca ghép thể hiện sự phối hợp của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với vai trò là bệnh viện tuyến cuối đối với các bệnh viện vệ tinh trong chuyển giao kỹ thuật, phối hợp các công tác tổ chức giúp cho các bệnh viện dưới phát triển về lấy và ghép tạng, công tác tổ chức để lấy được tạng ghép.
Đây không phải lần đầu tiên tạng của người hiến ở các bệnh viện tuyến dưới được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giúp cho về việc hồi sức tạng, lấy tạng, hỗ trợ ghép tại chỗ (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa…). Sự hỗ trợ phối hợp của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với các bệnh viện giúp mở ra hướng điều trị cho người bệnh, mang lại cơ hội cho bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị truyền thống./.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam, các bác sỹ tiến hành thành công ca ghép tim gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng. Qua đó cho thấy sự phát triển của nền y học Việt Nam trong 20 năm qua, đặc biệt là lĩnh vực ghép tạng.
Những thành tựu trong ghép tạng thời gian vừa qua đã thể hiện vị trí nền y học Việt Nam trong bản đồ ghép tạng thế giới. Trình độ y bác sỹ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể làm chủ hoàn toàn các kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.