Tràn lan thực phẩm kém

Tràn lan thực phẩm không đảm bảo chất lượng

Các bà nội trợ đang ngày càng lo lắng việc làm thế nào có một cái Tết an lành, khi thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường.
Có thể nói năm 2009, là năm xuất hiện nhiều hình thức vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm hơn so với các năm trước. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nhiều lò chế biến lòng, mỡ, bì siêu bẩn bị đưa ra ánh sáng.

“Nóng” nhất là tình trạng nhập khẩu phụ phẩm thịt không đảm bảo an toàn, buôn bán nội tạng động vật không rõ nguồn gốc qua biên giới...

Càng gần tới Tết Nguyên đán, các bà nội trợ càng lo làm thế nào có được một cái Tết an lành cho mọi thành viên trong gia đình.

Dịp “xả” hàng kém chất lượng

“Khó có thể biết được thực phẩm nào thực sự an toàn. Chúng tôi vừa ăn vừa lo ngay ngáy vì rau chứa dư lượng hóa chất bảo vệ thực phẩm quá mức, hải sản thì nhiễm kim loại nặng, vi sinh vật do nguồn nước tại các hồ, ao bị ô nhiễm... Tết này lại càng lo hơn, vì vừa qua xuất hiện quá nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm”, chị Nguyễn Thanh Hà (40 tuổi, quận Hai Bà Trưng) lo ngại.

Sự lo lắng của những người nội trợ như chị Hà là hoàn toàn có cơ sở, dịp Tết Nguyên đán thường là cơ hội để một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chụp giật “tuồn” ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.

Cụ thể, sau vụ phát hiện số lượng lớn thịt đông lạnh nhập khẩu kém chất lượng tại Thành phố Hồ Chí Minh, là vụ mua bán dầu, mỡ “bẩn” để tái sử dụng chế biến thực phẩm ở Hoài Đức, Hà Nội.

Các cơ quan chức năng lại vừa khẳng định một số mẫu sản phẩm xí muội, quả khô, mứt nhiễm chì tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đã có thông tin vụ gà ốm được đưa vào các quán phở ở Hà Nội, và là vụ dùng hóa chất để tẩy trắng bì heo ở Thành phố Hồ Chí Minh (dùng cho món cơm tấm, bánh mì, làm nem chua).

Việc phát hiện sử dụng dầu đen (dầu phế phẩm) để sản xuất hành phi tại Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng khiến các “thượng đế” thêm một phen hãi hùng.

Đầu tháng 12 này, Công an thành phố Việt Trì cũng phát hiện trên 5 tấn hàng hóa nhập lậu chuyển trên tàu khách LC2 từ Lào Cai về Hà Nội, trong đó có gần 2 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong quá trình phân hủy như 420kg lòng lợn, 640kg thịt gà, 100kg tim lợn...

Và những ngày này, các cán bộ Chi cục Quản lý Thị trường Lào Cai cũng đang gồng mình, phối hợp với Công an giao thông, Phòng cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Lào Cai, kiểm soát và xử lý liên tiếp những vụ vận chuyển, buôn bán nội tạng động vật không rõ nguồn gốc (tim, lòng, phèo lợn) cố tình “chen chân” vào thị trường Việt Nam.

Đội ngũ mỏng, thiết bị yếu

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm sẽ còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Nguyên nhân do trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu. Chưa kiểm soát được kỹ thuật canh tác và việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm. Chưa kiểm soát được thức ăn chăn nuôi, thuốc tăng trọng và giết mổ gia súc, gia cầm. Thiếu hệ thống pháp luật đồng bộ, thiếu hệ thống quản lý, kiểm nghiệm... Đặc biệt, thiếu trầm trọng thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, việc tập trung kiểm tra, nhằm phát hiện ngay những sai phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm là rất cần thiết. Tuy nhiên việc kiểm tra này rất khó khăn, do lực lượng thanh tra mỏng mà cả nước có trên 50.000 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, với khoảng 80% là nhỏ, lẻ.

"Có chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm vẻn vẹn 5 cán bộ, quản lý hơn 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.Ngay Cục An toàn vệ sinh thực phẩm hiện cũng chỉ có 10 thanh tra viên, nên công việc rất quá tải”, ông Phong cho biết.

Chính phủ đã có quyết định thành lập Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh quốc gia và cho phép thành lập các trung tâm kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc các viện khu vực. Song để Viện kiểm nghiệm và các trung tâm đi vào hoạt động ổn định, đúng quy mô thì cần một thời gian rất dài nữa./.

Nếu như năm 2005 cả nước có 53 ca tử vong/4.304 ca bị ngộ độc thực phẩm, thì năm 2006 là 57/7.135 ca, năm 2008 là 61/7.828 ca và tới 9 tháng đầu năm 2009 là 31/4.128 ca.

Tuy nhiên, những con số này chỉ là phần nổi của tảng băng, vì có đến 99% các vụ ngộ độc này được phát hiện nhờ vào các phương tiện thông tin đại chúng.
(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục