Trần Thắng với 'Dốc im lặng': Nơi con chữ hội ngộ sắc màu

Với 55 bài thơ và 32 phụ bản tranh, 'Dốc im lặng' là một ấn phẩm đẹp, nơi thơ-họa gặp nhau, mang nhiều sắc thái tâm hồn của Trần Thắng - một người đa tài, nhiều tâm huyết với nghiệp vẽ, nghiệp viết...
Trần Thắng với 'Dốc im lặng': Nơi con chữ hội ngộ sắc màu ảnh 1Nhà báoTrần Mai Hưởng-nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và tác giả Trần Thắng (bên trái). (Ảnh nguồn: Trần Mai Hưởng)

Tôi vừa được họa sĩ- nhà thơ Trần Thắng, một đồng nghiệp ở TTXVN, tặng tập thơ-họa ''Dốc im lặng'', một tác phẩm mới của anh do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7/2023.

Với 55 bài thơ và 32 phụ bản tranh, ''Dốc im lặng''là một ấn phẩm đẹp, nơi thơ và họa gặp nhau, mang nhiều sắc thái tâm hồn của Trần Thắng-một người đa tài, nhiều tâm huyết với nghiệp vẽ, nghiệp viết, nhiều ân tình với bè bạn, đồng nghiệp.

Theo nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, ''Dốc im lặng''mang ý nghĩa của một thử thách mà con người phải mất cả đời để đạt tới độ trầm tĩnh. Các cụ ta nói “Im lặng là vàng;'' Còn nhà tiên tri Abutalib Gafurov của xứ Dagestan thì bảo: “Người ta chỉ mất hai năm để học nói nhưng phải mất sáu mươi năm để tập im lặng," - ''Dốc im lặng''mang ý nghĩa uống hết im lặng vào mình để cực tĩnh đến mức để có thể cảm nhận được hết cái cực động của nhân gian ….”

Phần thơ trong ''Dốc im lặng''mang nhiều suy tư của Trần Thắng về cuộc sống và con người, phong cách đa dạng, tứ thơ mới, ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh, nhiều liên tưởng thú vị.

Trong “Tháng Mười quê," bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha phổ nhạc, Trần Thắng cảm nhận:
Nắng rúc thơm rơm rạ
tháng Mười tạ ơn đất
tạ ơn bốn phương trời
mồ hôi đổi gặt hái
thóc tràn qua kẽ tay chảy trên vai trên tóc
những trầy xước nhôn nhốt làn da
những cánh đồng phơi lưng lột xác
mong cơn mưa hồi sinh…

Heo may
chân đất
thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực
dụ trai làng thiêu thân
tối trời rạng mặt
trăng lưỡi liềm khía rượi lông măng
ráng vàng ngửa sang sông
hút hơi ấm cuối ngày lấp loáng

Trần Thắng với 'Dốc im lặng': Nơi con chữ hội ngộ sắc màu ảnh 2Tập "Dốc im lặng" của tác giả Trần Thắng- Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7/2023. (Ảnh nguồn: Trần Mai Hưởng)

Trần Thắng viết về thân phận con người trong “ Xuân vẫn qua đây": Dừng chân đâu cũng là nhà
Buông tay cũng cỏ trùm qua phận người
Muốn lại ngộ nghĩnh khóc cười
Lưng còng mẹ ấp biển trời đưa ru
Và tình quê trong “Xuân khai nét cũ":
Nắng đồng quyện ấm gió sông
Lẩy cờ ngũ sắc ngủ đông cửa chùa
Triền đê tung hứng bụi mưa
Cải ngồng lại đến hẹn xưa thắp vàng

Trong "Lời người dở hơi,"Trần Thắng cảm nhận triết lý nhân sinh sâu sắc:
Địa vị ư? Thứ tạm thời
Sa cơ hứng trọn quãng đời buồn đau
Vạn đại dân mãi thuộc làu
Mồ hôi trộn máu đất nâu muôn bền

Và:
Sinh tồn hiểm họa bất ngờ
Thiện lương lẽ sống chẳng nhờ căn nguyên
Dựa vào mình để an nhiên
Dựa vào người để học quên đếm mình

Trong ''Dốc im lặng'' Trần Thắng in 32 bức tranh phụ bản . Đây vốn là những tác phẩm hội họa độc lập, làm nên tên tuổi họa sĩ Trần Thắng đã ở trong sưu tập của nhiều người yêu tranh nhưng khi đưa vào tập thơ đã tạo nên cảm nhận, hiệu ứng khác lạ. Một sự bổ sung, giao hòa của thơ và họa mang lại những mỹ cảm mới cho độc giả.

Với cách đặt tên cho các tác phẩm hội họa đầy chất thơ: Trở về, Trăng xanh, Đêm ngã ba sông, Mưa đỏ, Hàn Mặc Tử, Tiếng Mưa, Về tổ, Mắt nhân gian, Lang thang thiên hà 1-2-3-4…; cách sử dụng những gam màu ấm nóng, nét vẽ khoáng đạt, hình tượng mang tính ẩn dụ cao, hội tụ nhiều năng lượng tích cực với chiều sâu tư duy qua mỗi tác phẩm, Trần Thắng đã tạo nên phong cách hội họa của riêng anh.

Có thể nói rằng, ''Dốc im lặng'' hội tụ đủ cả 4 yếu tố thi ca nhạc họa. Nếu như ở phần thi với những vần thơ lấp lánh sắc màu và tỏa ra âm điệu ngọt ngào sâu lắng, thì ở phần họa những tác phẩm của Trần Thắng lại mang đầy chất thơ. Thơ từ tên của mỗi bức tranh, đến những gam màu mạnh được sử dụng tương phản mà không chói, gắt... với bố cục ý tứ ẩn dụ hư thực nhưng không quá trìu tượng... "

Tôi có chút duyên với những bức tranh của Trần Thắng. Mỗi lần xem tác phẩm của anh, tôi thường hay commment bằng một câu lục bát cảm nhận của mình. Mỗi lần thế, Trần Thắng đáp lại bằng một câu lục bát để tạo nên một bài thơ nhỏ.

Trần Thắng với 'Dốc im lặng': Nơi con chữ hội ngộ sắc màu ảnh 3Tác phẩm: ''Lang thang thiên hà-3'' với phần thơ bình của nhà báo Trần Mai Hưởng (in đậm) và phần họa lại của họa sĩ Trần Thắng. (Ảnh nguồn: Trần Mai Hưởng)

Chẳng hạn , xem tranh Hàn Mặc Tử, tôi viết: "Chút tình gửi lại mai sau/Tâm đầy trăng khuyết nỗi đau lòng người" và Trần Thắng viết tiếp: "Nuốt trăng nửa khóc nửa cười/Hái trăng rao bán bằng lời vết thương". Với “Mắt nhân gian" tôi viết: "Bao nhiêu con mắt tháng Mười/Bấy nhiêu trông đợi cõi người buồn vui"- Trần Mai Hưởng; Trần Thắng họa: ''Xa xôi càng luống ngậm ngùi/Giấc mơ đăm đắm ấm mùi rạ quê."

Với "Thoát Xác" Trần Mai Hưởng: ''Nghe như có tiếng gọi mình/Bóng người ngọn khói vô hình lướt qua"; Trần Thắng: "Đợi người thân phía khuất xa/Vãn chùa về ấm hơi nhà rồi tan." Trong ''Lang thang thiên hà-3'' Trần Mai Hưởng: "Lang thang ở giữa thiên hà/Dẫu không trọng lượng vẫn là một đôi"  và Trần Thắng: "Giao hòa sự sống sinh sôi/Càn khôn biến ảo từ nơi hữu tình."

Nhiều ''bài thơ'' của chúng tôi đã ra đời dưới những họa phẩm của Trần Thắng theo cách như vậy. Trong tập này, những “bài thơ" ấy được in như đề từ cho mỗi phụ bản tranh, kỷ niệm đẹp của tình thơ, tình bạn của chúng tôi. Cảm ơn Trần Thắng về điều này!

Xin được chúc mừng họa sĩ - nhà thơ Trần Thắng với "Dốc im lặng"- sự song hành của thơ và họa- một cột mốc mới trên con đường sáng tạo nghệ thuật của anh!

Trần Thắng sinh năm 1971, quê Nam Định. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và là họa sĩ của Báo Ảnh Dân tộc Miền Núi (TTXVN).

Trần Thắng đã xuất bản:
- Kẻ Bắc người Nam, Thơ - NXB Thanh Niên, 2005
- Thơ Chọn lọc Quán Chiêu Văn, Thơ (in chung) NXB Văn học, 2019
- Ngày qua còn mãi, Thơ (in chung) NXB Văn học, 2020
- Dốc im lặng, Thơ NXB Hội Nhà văn, 2023.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục