Tranh cãi về chiều cao thực sự của đỉnh Everest

Nepal kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ để tìm ra chiều cao thực sự của “nóc nhà thế giới,” vốn là đề tài tranh cãi từ lâu giữa các quốc gia.
Chiều cao thực sự của đỉnh Everest, thuộc dãy Himalaya, luôn là một đề tài tranh cãi từ rất lâu giữa các quốc gia, đặc biệt là Nepal và Trung Quốc.

Ngày 29/2, Nepal đã kêu gọi các nhà tài trợ trong nước và quốc tế giúp đỡ để tìm ra chiều cao thực sự của “nóc nhà thế giới.”

Đỉnh Everest nằm giữa Nepal và Trung Quốc với chiều cao được cho là 8.848m. Con số này được xác lập sau cuộc khảo sát của các nhà khoa học Ấn Độ vào năm 1954. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người cho rằng con số này không còn chính xác.

Trung Quốc cho rằng đỉnh núi này đã dảm xuống 4m so với con số trên. Nhưng vào năm 1999, một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng công nghệ tối tân của mình và khẳng định chiều cao đích thực của đỉnh Everest lại là 8.850m. Con số này đã được chính thức đưa vào sử dụng trong các tài liệu của Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Chính phủ Nepal cũng đã đưa ra một dự án, nhằm tính toán và nghiên cứu để đưa ra con số chính xác trong mỗi ba năm. Tuy nhiên họ không có những chuyên gia khoa học và nguồn lực để thực hiện dự án này. Cơ sở vật chất khó khăn là một vấn đề khiến cho Nepal kêu gọi các nhà tài trợ.

Sau khi đưa ra lời đề nghị, Nepal cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ từ nhiều quốc gia lớn, trong đó có các nhà khoa học của Italy.

Đỉnh Everest được đo lần đầu tiên vào năm 1856, gần 100 năm trước khi nó bị chinh phục bởi các nhà leo núi Sherpa Tenzing và Edmund Hilary.

Và cho tới năm 2010, Nepal và Trung Quốc đã đạt được một thỏa hiệp, song con số mà hai nước đưa ra vẫn chưa khớp nhau./.

Đoàn Quang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục