Tranh cãi về ý tưởng chuyển trụ sở EP ở Strasbourg về Brussels

Một vấn đề gây tranh cãi đã nổi lên khi một số chính khách Đức và Áo đưa lại ý tưởng bỏ trụ sở thứ hai của EP ở Strasbourg (Pháp) để chuyển về thủ đô Brussels (Bỉ).
Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. (Nguồn: AP)
Trụ sở Nghị viện châu Âu ở Strasbourg. (Nguồn: AP)

Dư luận báo chí Pháp và châu Âu những ngày qua dành thời lượng lớn cho cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp diễn ra với rất nhiều bài viết về chiến dịch vận động tranh cử của các đảng phái chính trị khác nhau.

Tuy nhiên, một vấn đề gây tranh cãi đã nổi lên khi một số chính khách Đức và Áo đưa lại ý tưởng bỏ trụ sở thứ hai của EP ở Strasbourg (Pháp) để chuyển về thủ đô Brussels (Bỉ).

Báo Le Figaro của Pháp có bài viết đáng chú ý với tựa đề "Nghị viện châu Âu: Strasbourg đang thành vấn đề."

Tranh cãi nổi lên khi một số chính khách ở Đức - thành viên chủ chốt trong Liên minh châu Âu (EU), gợi ý rằng nên chuyển trụ sở Nghị viện ở Strasbourg, vùng Grand Est ở Pháp, về thủ đô Brussels.

[Châu Âu trước thách thức từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy]

Cuộc tranh luận đang dấy lên ở Đức và được nhiều chính khách Đức ủng hộ, trong khi phía Pháp lại bất bình về ý tưởng này.

Theo bài báo, một số chính khách Đức nhìn nhận rằng việc cùng lúc hai cơ quan đầu não của EU đặt tại hai địa điểm cách xa như vậy là "vô lý, tốn kém, quản lý kém hiệu quả."

Báo chí Đức trước đó đưa tin, Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer đã bày tỏ hoài nghi về địa điểm họp của EP ở Strasbourg, cho rằng nên tập trung về Brussels và nhường địa điểm ở Strasbourg cho một cơ quan khác của châu Âu. Ý tưởng này đã động chạm đến biểu tượng và niềm tự hào của nước Pháp.

Tranh cãi về ý tưởng chuyển trụ sở EP ở Strasbourg về Brussels ảnh 1Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Đức, bà Annegret Kramp-Karrenbauer đã bày tỏ hoài nghi về địa điểm họp của EP ở Strasbourg. (Nguồn: spiegel.de)

Ngay lập tức Paris đã phản ứng khẳng định việc di dời này không có trong chương trình và cho rằng sáng kiến của bà Kramp-Karrenbauer là có ý đồ "khiêu khích" Paris.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định trụ sở EP là vấn đề không thể xâm phạm và không phải vấn đề có thể đàm phán, khẳng định Strasbourg - thủ phủ vùng Grand Est là biểu tượng tinh thần hòa giải của châu Âu.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh về châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau cũng khẳng định Strabourg là "thủ đô dân chủ của châu Âu và là niềm tự hào của nước Pháp."

Đây không phải là lần đầu tiên chính giới Pháp không hài lòng với những ý tưởng của các chính trị gia Đức.

Hồi tháng 11/2018, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cũng đã đề xuất Pháp nên chuyển chiếc ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành chiếc ghế đại diện cho EU giúp khối này có tiếng nói chung trên vũ đài quốc tế và Pháp sẽ giữ ghế Đại sứ thường trực của EU trong Liên hợp quốc nếu Paris "hy sinh" chiếc ghế quyền lực tại Hội đồng Bảo an cho châu Âu.

Ngoài ý tưởng trên từ Đức, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz mới đây cũng kêu gọi các nghị sỹ EP không nên hàng tháng phải tới Strasbourg để hội họp.

Trong bài phỏng vấn báo Kleine Zeitung của Áo, Thủ tướng Kurz nói rằng Hiệp ước Lisbon đã lỗi thời và cần sửa đổi văn kiện này để EU và các thể chế của khối vận hành hiệu quả hơn.

Các nghị sỹ châu Âu nhóm họp 1 tuần trong tháng tại Strabourg và thời gian còn lại họp ở Brussels.

Theo một nghiên cứu của các nhà kiểm toán EU, riêng việc đi lại của các nghị sỹ châu Âu giữa Strabourg và Brussels mỗi năm tiêu tốn 110 triệu euro. Ngoài các nghị sỹ, còn có các trợ lý, báo chí, tức gần 5.000 người liên quan phải di chuyển trên hành trình như vậy.

Tờ Le Figaro bình luận rằng tuy tranh cãi có vẻ dịu xuống, song Strasbourg chính là biểu hiện của sự bất hòa, khác biệt giữa Berlin và Paris trên quan điểm xây dựng châu Âu.

Với Đức, châu Âu phải cải cách, hợp lý hóa để trở nên hiệu quả hơn, trong khi với Pháp, châu Âu cần những biểu tượng để gắn kết các công dân của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục