Sau khi được Thượng viện của bang thông qua ngày 12/6, dự luật của tiểu bang New York, Mỹ, cho phép mang thai hộ có trả tiền đã nhưng đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà hoạt động nữ quyền.
Phóng viên TTXVN tại New York dẫn báo New York Times cho biết, dự luật này được nhiều người coi là cấp tiến và giúp sửa sai cho một luật khác của bang trước đó đã cấm mang thai hộ, vốn bị các đôi vợ chồng đồng tính hoặc hiếm muộn phản đối và bị cho là có sự kỳ thị đối với những phụ nữ không thể có con.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thượng viện thông qua luật mới, nhiều nữ nghị sỹ đã lên tiếng phản đối, cho rằng mang thai hộ có trả tiền biến cơ thể người phụ nữ trở thành những món hàng và khiến những phụ nữ nghèo buộc phải chọn để có thêm thu nhập.
Dù nhiều bang khác của Mỹ đã cho phép mang thai hộ, chủ đề này vẫn đang gây tranh cãi rất gay gắt ở New York liên quan tới các vấn đề như quyền của phụ nữ, quyền của người đồng tính và quyền tự chủ về thân thể của mỗi người. Vì vậy, mặc dù được chính Thống đốc bang ủng hộ và được Thượng viện bang thông qua hôm 11/6 nhưng dự luật này hiện vẫn đang bế tắc ở Hạ viện bang.
Theo một báo cáo của trường Đại học Luật Columbia, chi phí cho một ca mang thai ở Mỹ trong khoảng 20.000-200.000 USD.
Thượng nghị sỹ Brad Hoylman, một trong những người ủng hộ dự luật, cho rằng luật cho phép mang thai hộ thừa nhận tầm quan trọng của cộng đồng đồng tính đối với bang New York và đánh dấu sự sự tiến bộ về quyền con người nói chung.
Bản thân ông Hoylman là nghị sỹ duy nhất của bang New York đã công khai mình là người đồng tính và có hai con gái được sinh bằng phương pháp mang thai hộ.
Trước đó, bang Washington và New Jersy cũng vừa hợp pháp hóa dịch vụ mang thai hộ năm ngoái và khoảng hơn một chục bang khác cũng đã thừa nhận dịch vụ này.
Ngoài ra, nhiều bang khác cho phép mang thai hộ với từng hoàn cảnh cụ thể hoặc chưa có luật về vấn đề này, và như vậy việc mang thai hộ vẫn có thể được tiến hành vì pháp luật không cấm.
Tại Mỹ, trong giai đoạn 1999-2014 đã có 18.400 trẻ sơ sinh được sinh bằng phương pháp mang thai hộ mà người mang thai không có quan hệ huyết thống với thai nhi.
Trong số đó, 10.000 bé được sinh ra sau năm 2010, theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của nước này.
Mang thai hộ hiện bị coi là bất hợp pháp ở hầu hết các nước châu Âu. Ở Ấn Độ, nơi được coi là có ngành du lịch “sinh con” mang lại doanh thu khoảng 400 triệu USD/1 năm, cũng vừa cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại năm ngoái./.