Trên 217 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ

Chương trình cứu trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ tháng 10/2020 được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại 12 tỉnh, thành phố với hơn 730.000 người dân vùng lũ được hỗ trợ.
Trên 217 tỷ đồng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ ảnh 1Đoàn cứu trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển hàng cứu trợ tới người dân. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/12, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình cứu trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ tháng 10/2020.

Qua hơn một năm triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp và phục hồi (từ tháng 11/2020-2/2021), hơn 730.000 người dân thuộc 12 tỉnh, thành phố đã được trợ giúp với tổng giá trị trên 217 tỷ đồng.

Năm 2020 được ghi nhận là một năm thiên tai có diễn biến cực đoan, khó lường, với những đợt “lũ chồng lũ,” “bão chồng bão.”

Để kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả do mưa lũ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai các hoạt động cứu trợ khẩn cấp; đồng thời đưa ra Lời kêu gọi trong nước (ngày 13/10/2020) và phối hợp với Hiệp hội Chữ thập đỏ-Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ban hành Lời kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam (ngày 28/10/2020) nhằm vận động nguồn lực triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân giai đoạn phục hồi.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh cho biết, nhờ có sự chủ động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; sự quan tâm, hỗ trợ của Hiệp hội, các Hội quốc gia, tổ chức quốc tế, Hội chữ thập đỏ các tỉnh/thành, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thông qua Lời kêu gọi trong nước và quốc tế đã có tổng số 10 chương trình, dự án cứu trợ khẩn cấp và phục hồi được triển khai tại 12 tỉnh, thành miền Trung, trợ giúp trên 50.000 hộ gia đình.

[Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa, lũ tại tỉnh Phú Yên]

Chương trình đã can thiệp được số lượng người hưởng lợi ấn tượng là 730.164 người, trong đó có 358.579 người là nữ chiếm tỷ lệ 49,1%.

Ông Nguyễn Hải Anh cho biết thêm ngay từ khi bắt đầu triển khai các hoạt động hỗ trợ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định đây là chương trình đặc biệt quan trọng, có quy mô trên diện rộng, đối tượng hỗ trợ rất lớn, loại hình hỗ trợ đa dạng.

Do vậy, Trung ương Hội thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình cứu trợ mưa lũ miền Trung 2020 do đồng chí Chủ tịch làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cho từng chương trình, dự án tại địa phương; chủ động chỉ đạo tổ chức, phối hợp triển khai các hoạt động, đảm bảo tiến độ và yêu cầu của chương trình dù quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đến thời điểm này, toàn bộ các hoạt động của chương trình cơ bản hoàn tất, đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ; triển khai thành công các hoạt động phục hồi, tái thiết, ổn định cuộc sống cho các đối tượng hưởng lợi, ông Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.

Chương trình cứu trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ tháng 10/2020 được triển khai tại 12 tỉnh, thành phố gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên.

Nội dung hỗ trợ tập trung vào những lĩnh vực và nhu cầu cấp thiết nhất của cộng đồng: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu thông qua cấp tiền mặt đa mục đích; chỗ ở, mặt hàng phi lương thực; hỗ trợ sinh kế; nước sạch vệ sinh trong tình huống khẩn cấp; chăm sóc sức khỏe trong tình huống khẩn cấp; trường học an toàn; các can thiệp về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và các hoạt động truyền thông.

Trong tổng kinh phí triển khai các hoạt động cứu trợ (trên 217 tỷ đồng) nguồn hỗ trợ từ Trung ương Hội là trên 11 tỷ đồng; nguồn hỗ trợ từ các tỉnh, thành Hội không bị thiên tai trị giá trên 105 tỷ đồng; nguồn Lời kêu gọi trong nước và quốc tế thực hiện thông qua các dự án trị giá gần 101 tỷ đồng.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình cứu trợ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phối hợp với các cấp Hội địa phương triển khai đúng quy trình, quy định của Nhà nước, của Trung ương Hội, nhà tài trợ; tổ chức tập huấn quy trình lựa chọn hộ hưởng lợi phù hợp với từng lĩnh vực cứu trợ có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân (chú ý các tiêu chí bắt buộc, tiêu chí ưu tiên); cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể phản ánh kịp thời các vấn đề vướng mắc; ký hợp đồng với hệ thống bưu điện để hỗ trợ việc cấp phát tiền mặt nhanh chóng, kịp thời, an toàn và đảm bảo giãn cách trong thời gian dịch bệnh COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục