Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tính đến ngày 3/5, trên cả nước đã ghi nhận 3.982 trường hợp mắc sởi xác định trong số 14.136 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.
Về tình hình dịch bệnh, riêng trong ngày 3/5, cả nước ghi nhận thêm 52 trường hợp mắc sởi xác định.
Các trường hợp mắc sởi mới trên nhập viện tại 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Cũng trong ngày 3/5, cả nước ghi nhận một trường hợp tử vong có liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Như vậy, từ đầu năm đến nay đã có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 133 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Các khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên đến nay chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Về công tác thực hiện kế hoạch tiêm vắcxin sởi, theo Cục Y tế Dự phòng, tính đến ngày 3/5, tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 85,2%, tăng 0,1% so với ngày trước đó.
Có 18 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắcxin sởi cao trên 95% là: Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thái Bình, Kiên Giang, Phú Yên, Kon Tum, Cần Thơ, Đắc Nông, Phú Thọ, Hải Dương, Cà Mau, Ninh Bình, Hậu Giang, Hải Phòng.
Hiện nay, trên toàn quốc có năm tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vét vắc xin sởi từ 60-70% là: An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Thái Nguyên, Bình Thuận.
Về công tác thanh kiểm tra, trong ngày 3/5, đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch sởi tại thành phố Hải Phòng.
Thành phố Hà Nội đã tổ chức bốn đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sởi và tiêm vắc xin sởi tại quận Cầu Giấy, Hoàng Mai và các huyện Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên.
Thời điểm hiện nay là đầu mùa hè, nhiệt độ môi trường bắt đầu tăng cao, để phòng bệnh sởi lây lan, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân bên cạnh việc đưa trẻ đi tiêm cần đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng khí, mở cửa sổ nhưng đảm bảo không bị gió lùa nhằm tránh tồn lưu virus trong môi trường.
Những khu vực như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường./.
Bệnh sởi là bệnh có khả năng lây truyền rất cao. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.
Virus sởi sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường, ánh sáng mặt trời, không bền vững ở nhiệt độ cao…
Ở nhiệt độ 56 độ C, virus sởi bị diệt trong 30 phút, còn ở 37 độ C chỉ trong 2 giờ virus mất khả năng gây nhiễm 50%.