Triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng

Sáng 22/12, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng 2013.
Sáng 22/12, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2013 và sơ kết một năm tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.”

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương dự và chỉ đạo hội nghị.

Triển khai bài bản các phong trào thi đua

Đánh giá công tác thi đua khen thưởng năm 2012 do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trình bày cho thấy ngay từ những tháng đầu năm, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, bám sát nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là thi đua thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn liền với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Các phong trào thi đua được triển khai bài bản, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, được người dân đón nhận và hưởng ứng tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng đã cơ bản hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có những chuyển biến rõ nét. Công tác khen thưởng đã được các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ và kịp thời hơn, có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như trong chỉ đạo thực hiện. Chất lượng khen thưởng được nâng lên.

Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thực sự đi vào cuộc sống

Sau hơn một năm phát động và triển khai, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống, đến được với người dân, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay, tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị.

Nhiều bộ, ngành đã tham gia hỗ trợ xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng trường học, trạm y tế, hỗ trợ kinh phí hoặc đào tạo nghề trực tiếp cho lao động nông thôn. Các hoạt động khuyến công gắn đào tạo với phát triển công nghiệp nông thôn đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động nông thôn, nhất là ở các vùng kinh tế khó khăn đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc. Đặc biệt hiệu quả là phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi như xã Thanh Tân, Kiến Xương, Thái Bình với khẩu hiệu “đường thẳng, ngõ thẳng” được người dân nhiệt tình tham gia.

Ở các huyện Kim Bảng, Lý Nhân (Hà Nam), huyện Ea Kar, Krông Păk (Đắk Lắk), huyện Chư Jut (Đắk Nông), người dân tự nguyện cắt đất vườn, dỡ tường rào để làm đường giao thông, mang lại diện mạo mới cho vùng quê.

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ là những địa phương đi đầu trong thực hiện mô hình “cánh đồng mẫu lớn.” Đến nay đã có trên 70% tổng số xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, trong đó có 7 tỉnh hoàn thành cơ bản việc phê duyệt quy hoạch chung.

Năm 2013, cả nước tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 65 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Ngày truyền thống thi đua yêu nước (11/6/1948-11/6/2013) bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Tạo sự đồng thuận cao từ nội lực

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương những kết quả đạt được của ngành Thi đua-Khen thưởng trong năm qua. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo của phong trào thi đua năm 2013 là “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”; phải tạo sự đồng thuận để khắc phục những tồn tại; chọn chủ đề “đồng thuận cao, thi đua giỏi” chính là thực hiện lời dạy của Bác Hồ, để tạo khí thế cho phong trào thi đua, tạo thắng lợi về đích sớm.

Theo Phó Chủ tịch nước, năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm của Nghị quyết Đại hội XI, nếu không tạo được tinh thần về đích sớm trên tất cả những lĩnh vực công tác của đời sống kinh tế xã hội thì không thể tạo ra những thắng lợi mong muốn như Nghị quyết đã đề ra.

Phó Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành quán triệt về tư tưởng ý chỉ đạo “đồng thuận cao, thi đua giỏi” được thấm nhuần trong những người làm công tác thi đua, để nhân rộng ra các cấp, các ngành; phải tập trung sức tạo sự đồng thuận cao từ nội lực, mỗi người phải nhận thức được nhiệm vụ của mình trước những khó khăn của đất nước hiện nay, người người thi đua, nhà nhà thi đua quyết tâm khắc phục yếu kém, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2013.

Phó Chủ tịch nước thống nhất với tham luận của một số tỉnh là cần phát động phong trào thi đua một cách thiết thực, hiệu quả, không nên phát động nhiều phong trào thi đua, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp chỉ nên phát động một phong trào có trọng tâm, trọng điểm.

Đối với công tác khen thưởng, Phó Chủ tịch nước yêu cầu phải bình chọn cho trúng và dân chủ, thực hiện bỏ phiếu kín trong việc tôn vinh các danh hiệu, cần đảm bảo khen thưởng cho người lao động trực tiếp, người ngày đêm tạo ra giá trị gia tăng, khen thưởng các tổ chức nhỏ, không khen thưởng nhiều cho cán bộ lãnh đạo. Người làm công tác khen thưởng phải nâng cao năng lực trình độ, có khả năng thuyết phục, thấm nhuần chủ trương chính sách, lăn lộn với phong trào.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” Phó Chủ tịch nước cho rằng đây là phong trào, là chủ trương, cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước. Trong bối cảnh khó khăn của đất nước hiện nay, nông nghiệp-nông dân-nông thôn có vai trò rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển của đất nước.

Các cấp, các ngành cần tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào này, tập trung nguồn lực nghiên cứu nhân rộng các cách làm hay, tổ chức giao lưu học tập những bài học kinh nghiệm quý báu của các địa phương./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục