Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ

Triển lãm giới thiệu những bức ảnh phong cảnh và cuộc sống đầy màu sắc của người dân Thủ đô Hà Nội và Delhi, giúp khách tham quan có cơ hội hiểu thêm về văn hóa hai nước.
Lăng mộ vua Humayun, di sản thế giới do UNESCO công nhận năm 1993.
Lăng mộ vua Humayun, di sản thế giới do UNESCO công nhận năm 1993.

Nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ấn Độ (7/1/1972-7/1/2022), Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ tại Hà Nội (HAVIFA) tổ chức triển lãm ảnh “Delhi-Hà Nội: Cây cầu hữu nghị”.

Triển lãm cũng là một phần của chuỗi sự kiện kỷ niệm 75 năm Ngày Độc lập của Ấn Độ, còn được biết đến với tên gọi “Azadi ka Amrit Mahotsav” (lễ hội tôn vinh tinh túy mà tự do mang lại cho Ấn Độ).

Thông qua những bức ảnh phong cảnh và cuộc sống đầy màu sắc của người dân Thủ đô Hà Nội và Delhi, triển lãm giúp khách tham quan có cơ hội hiểu thêm về văn hóa và hoạt động giao lưu nhân dân giữa Ấn Độ và Việt Nam, góp phần xây dựng một cây cầu hữu nghị vượt thời gian giữa hai quốc gia.

Ngoài biểu tượng quen thuộc của Ấn Độ là đền thờ Taj Mahal, công chúng Việt Nam sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh của Đài thiên văn Jantar Mantar, Lăng mộ Safdarjung, Lăng mộ vua Humayun, hồ chứa nước Agrasen Ki Baoli, Bảo tháp Hòa Bình Shanti Stupa…

Ở nội dung về Việt Nam, triển lãm giới thiệu hình ảnh cầu Thê Húc, Hoàng thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc cùng nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội của người Việt.

[Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ phát triển vượt bậc trong 50 năm qua]

Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma cho biết quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Ấn Độ đã có từ lâu đời. Trải qua những biến động lịch sử, mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp luôn được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, duy trì, củng cố và phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của cả hai bên và ngày càng phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực.

Để chào mừng dịp kỷ niệm quan hệ hữu nghị hai nước, trong năm nay, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa sẽ diễn ra như buổi đọc thơ tiếng Hindi sẽ diễn ra trực tuyến ngày 10/1 nhân kỷ niệm Ngày Hindi thế giới, cuộc thi đố vui nâng cao hiểu biết về Ấn Độ sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng Một, triển lãm tranh về “Các biểu tượng nổi tiếng của Ấn Độ và Việt Nam”...

Được biết, triển lãm ảnh “Delhi-Hà Nội: Cây cầu hữu nghị” mở cửa đến hết ngày 8/1, từ 9h đến 17h hàng ngày tại Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, 63 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 1Cầu Long Biên. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 2Hồ Tây. Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội
Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 3Lễ hội áo dài 2019. Nguồn: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội
Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 4Bảo tháp Hòa Bình Shanti Stupa. Nguồn: Subhash Gupta
Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 5Đền thờ Akshardham, trung tâm văn hóa tâm linh Hindu. Nguồn: Incredible India
Triển lãm ảnh 'Cây cầu hữu nghị' kết nối văn hóa Việt Nam-Ấn Độ ảnh 6Pháo đài Feroz Shah Kotla. Nguồn: Incredible India
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục