Triển lãm bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa-những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại Hải Phòng trưng bày các tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.
Triển lãm bằng chứng Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ảnh 1Khách tham quan triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa-những bằng chứng lịch sử." (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 20/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa-những bằng chứng lịch sử” nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tư liệu trưng bày trong triển lãm được sưu tầm từ 4 nguồn tư liệu. Thứ nhất là tư liệu của Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng với một số bản đồ cổ nhất Việt Nam xuất bản thế kỷ 15 như bản đồ "Đại Việt quốc" in trong tập Hồng Đức năm 1490; bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" do giám mục người Pháp Jean Louis Taberd xuất bản năm 1836, bản đồ "Đại Nam nhất thống toàn đồ" xuất bản năm 1938 đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thứ hai là bộ sưu tập bản đồ do ông Trần Thắng, Việt kiều Hoa Kỳ sưu tầm tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây để trao tặng Việt Nam. Đáng chú ý trong bộ sưu tập của ông Thắng có 3 tập bản đồ chính thức xuất bản tại Trung Quốc thời nhà Thanh và thời Trung Hoa Dân quốc là "Atlas Trung Quốc địa đồ," "Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ" (xuất bản tại Nam Kinh năm 1919) và "Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ" (tái bản tại Nam Kinh năm 1933).

Các atlas này là sản phẩm bản đồ bưu chính do triều đình nhà Thanh xuất bản năm 1904, được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục. Điểm thống nhất giữa các bản đồ đều chỉ rõ lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam (thuộc tỉnh Quảng Đông cũ).

Thứ ba là bộ Atlas bản đồ thế giới gồm 6 tập xuất bản năm 1872 (bộ gốc) sưu tầm tại Vương quốc Bỉ.

Thứ tư là tài liệu sưu tầm từ tư liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Biên giới-Bộ Ngoại giao và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày 120 ảnh tư liệu về 15/29 đảo, nhà giàn DK trên quần đảo Trường Sa ngày nay.

Những tư liệu và bộ sưu tập bản đồ trưng bày giới thiệu tại cuộc triển lãm này khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm, bằng con đường hòa bình và do các triều đại phong kiến, các Nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách hợp pháp đối với hai quần đảo này, cũng như đối với những vùng biển khác trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc.

Nhiều bản đồ do các nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố từ nhiều thế kỷ qua, đặc biệt tấm bản đồ "Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ", do triều đình nhà Thanh xuất bản năm 1904, bản đồ tỉnh Quảng Đông do Trung Hoa Dân quốc xuất bản đã chứng tỏ Trung Quốc không hề có cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý để đòi hỏi yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

Triển lãm cũng cho thấy Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ý thức về chủ quyền thiêng liêng của đất nước và sẵn sàng đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa-những bằng chứng lịch sử" mở cửa hết ngày 21/6./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục