Triển lãm góc nhìn về yếu tố định hình làn sóng văn hóa Hàn Quốc

Khoảng 1.000 hiện vật được trưng bày trong không gian triển lãm tái hiện ảnh hưởng của các nền văn hóa đại chúng khắp nơi trên thế giới đối với nền văn hóa Hàn Quốc đương đại.
Triển lãm góc nhìn về yếu tố định hình làn sóng văn hóa Hàn Quốc ảnh 1Không gian tại triển lãm. (Nguồn: Yonhap)

Theo hãng tin Yonhap, ngày 20/7, tại Bảo tàng Quốc gia về Lịch sử Đương đại Hàn Quốc ở Seoul đã khai mạc triển lãm văn hóa "Hallyu," mang tới cho du khách tham quan góc nhìn về những yếu tố đã định hình làn sóng văn hóa Hàn Quốc phổ biến trên toàn thế giới ngày nay.

Triển lãm có chủ đề "Văn hóa đại chúng mà chúng ta yêu thích và sự trỗi dậy của làn sóng Hàn Quốc" sẽ kéo dài đến hết ngày 3/9. Khoảng 1.000 hiện vật được trưng bày trong không gian triển lãm tái hiện ảnh hưởng của các nền văn hóa đại chúng khắp nơi trên thế giới đối với nền văn hóa Hàn Quốc đương đại.

Triển lãm được chia thành ba phần. Phần một thể hiện ảnh hưởng của Mỹ đối với nhạc pop Hàn Quốc. Phần thứ hai phản ánh ảnh hưởng của các bộ phim Hong Kong (Trung Quốc) trước đây cũng như truyện tranh manga nổi tiếng của Nhật Bản.

Phần thứ ba tập trung vào sự trỗi dậy của làn sóng "Hallyu" cuối những năm 1990 và 2000, với các album, chương trình truyền hình và phim ảnh K-Pop góp phần đưa làn sóng này trở thành một hiện tượng toàn cầu.

Một trong những điểm đáng chú ý tại sự kiện này là trước khi bước vào phòng triển lãm, du khách sẽ thấy tượng Hyun Mee và Lee Geum-hee, 2 trong số những ca sỹ nhạc pop nổi tiếng nhất Hàn Quốc những năm 1960, mặc các bộ trang phục sân khấu rực rỡ. Ca sỹ Hyun Mee đã qua đời vào tháng 4 năm nay ở tuổi 85.

Tại triển lãm còn trưng bày đĩa nhựa (LP) "East of Make Believe" của ca sỹ Hàn Quốc Ok Doo-ok lần đầu tiên được phát hành tại Mỹ năm 1956. Ok Doo-ok cũng là nữ ca sỹ Hàn Quốc đầu tiên ra mắt tại Xứ Cờ hoa. Ngoài ra còn có một album có chữ ký của Kim Sisters, nhóm nhạc nữ châu Á đầu tiên ra mắt tại Mỹ.

[Hiệu quả kinh tế từ sự lan rộng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu]

Đối với khách tham quan chưa nắm bắt được mức độ nổi tiếng toàn cầu của nền văn hóa này, bảo tàng trưng bày các tờ báo và tạp chí từ Mỹ, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) có nội dung về "Hallyu" hoặc sự nổi tiếng của các ngôi sao nhạc pop Hàn Quốc như BTS, BlackPink, Super Junior, Psy...

Phát biểu họp báo, người phụ trách triển lãm Kwon Gi-jun nhấn mạnh, về cơ bản, đây không phải là một cuộc triển lãm để quảng bá làn sóng "Hallyu."

Trên thực tế, Bảo tàng lịch sử Hàn Quốc muốn mang tới một góc nhìn mới như lời giải đáp về cách thức hình thành làn sóng "Hallyu" và lý do làn sóng văn hóa này phổ biến trên toàn cầu.

Theo ông Kwon Gi-jun, Hallyu là kết quả của việc xã hội Hàn Quốc cởi mở đón nhận văn hóa đại chúng đa dạng từ khắp nơi trên thế giới.

Về phần mình, Giám đốc bảo tàng Han Soo cho rằng một trong những đặc điểm lớn nhất của triển lãm này là các nghệ sỹ và người hâm mộ của họ. Văn hóa đại chúng Hàn Quốc phổ biến trên toàn thế giới vì cộng đồng người hâm mộ mở rộng ra toàn cầu khi giao tiếp với các nghệ sỹ yêu thích của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục