Triển vọng ảm đạm của các trung tâm thương mại Nhật Bản

Mặc dù Chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng một số hạn chế đối với lĩnh vực bán lẻ, các trung tâm thương mại vẫn rất bi quan về triển vọng tương lai do hoạt động kinh doanh “ảm đạm."
Triển vọng ảm đạm của các trung tâm thương mại Nhật Bản ảnh 1Nhiều nhà bán lẻ của Nhật Bản đang phải vật lộn để có thể tồn tại. (Nguồn: studio-at.net)

Ngày 1/6, khi chỉ còn hơn một tháng trước khi Thế vận hội mùa Hè Tokyo diễn ra, chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga đã gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Osaka và bảy khu vực khác đến ngày 20/6.

Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 25/4 và đã gia hạn hai lần kể từ thời điểm đó.

Trước ngày 1/6, Chính phủ Nhật Bản yêu cầu các trung tâm thương mại đóng cửa tất cả các khu vực kinh doanh, trừ siêu thị và một số nhà hàng. Nhưng hiện nay, các trung tâm thương mại được phép mở cửa tất cả các gian hàng đến 8 giờ tối các ngày trong tuần. Tuy nhiên, các thương hiệu cao cấp và cửa hàng trang sức vẫn phải đóng cửa vào cuối tuần để hạn chế số lượng người mua sắm.

[Lệnh tình trạng khẩn cấp khiến GDP của Nhật Bản mất 4 tỷ USD]

Đại diện của công ty điều hành trung tâm thương mại lớn nhất Nhật Bản Isetan Mitsukoshi Holdings cho biết họ không thực sự lạc quan với tình hình hiện nay, bởi tùy thuộc vào tình hình lây lan dịch COVID-19, chính phủ có thể ban hành một số hạn chế khác trong tương lai.

Hiệp hội các trung tâm thương mại Nhật Bản (JDSA) vào tuần trước đã gửi yêu cầu đến thống đốc của chín khu vực nằm trong danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp, đề nghị họ cho phép các trung tâm thương mại tiếp tục mở cửa.

Theo Yoshio Murata, Chủ tịch JDSA đồng thời là Chủ tịch của nhà bán lẻ Takashimaya, doanh số bán hàng của các trung tâm thương mại ở các khu vực này đã giảm đáng kể và tình hình đang "cực kỳ nghiêm trọng."

Tình trạng này nếu tiếp tục sẽ tác động lớn không chỉ đối với các nhà điều hành trung tâm thương mại mà còn cả việc làm và hoạt động kinh doanh của các nhà cung cấp.

Yoshihiro Sakata, nhà phân tích của Tokyo Shoko Research, nhận định nhiều nhà bán lẻ đang phải vật lộn để có thể tồn tại.

Theo JDSA, doanh thu của các trung tâm thương mại ở Tokyo trong tháng 4/2021 đã giảm 32% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát.

Hội đồng các trung tâm mua sắm Nhật Bản (JCSC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Nhật Bản (JRA) và hai hiệp hội khác đã cùng đưa ra tuyên bố chung vào tuần trước, kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ.

Các công ty cho thuê mặt bằng thương mại đang phải giảm hoặc miễn tiền thuê nếu khách hàng gặp khó khăn trong kinh doanh và họ cũng đề nghị chính phủ cung cấp hỗ trợ tài chính để bù đắp khoản thu nhập bị sụt giảm mạnh này.

Nhà phân tích trong lĩnh vực bán lẻ Takahiro Kazahaya của Credit Suisse Securities thì tin tưởng rằng sẽ có “ánh sáng cuối đường hầm dài," khi những người cao tuổi bắt đầu được tiêm chủng vào tháng Tư trong bối cảnh Nhật Bản khởi động giai đoạn đầu tiên của chương trình tiêm chủng toàn quốc.

Tuy nhiên, ông Kazahaya lưu ý bên cạnh những khó khăn mà đại dịch gây ra, các nhà bán lẻ cũng phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sau hơn một năm làm việc tại nhà. Ví dụ, nhu cầu về quần áo công sở, giày dép và mỹ phẩm có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi về mức trước đại dịch.

Ông Kazahaya nói trong khi các trung tâm thương mại đang đánh mất người thuê trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, một câu hỏi đặt ra là liệu mô hình trung tâm thương mại có còn hấp dẫn hay không? Không ai có thể đảm bảo rằng khách hàng sẽ quay lại các cửa hàng khi đại dịch qua đi.

Takahide Kiuchi, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Nomura, ước tính việc gia hạn tình trạng khẩn cấp mới nhất khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại 1.240 tỷ yen (11,3 tỷ USD).

Liên quan đến Thế vận hội mùa Hè tại Tokyo, Mike Allen, nhà phân tích của Jefferies Japan, nhận định các nhà bán lẻ sẽ không được hưởng lợi từ sự kiện này vì không có khán giả nước ngoài (đến Nhật Bản) và các vận động viên sẽ hạn chế đi lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục