Triển vọng của nghề nuôi ngựa bạch ở Phú Bình

Ba năm trở lại đây, nghề nuôi ngựa bạch phát triển mạnh tại Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, giúp cho nhiều hộ thu nhập 100 triệu đồng/năm.
Khoảng ba năm trở lại đây, nghề nuôi ngựa bạch phát triển mạnh tại làng Phẩm, xã Dương Thành, huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), giúp cho nhiều hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, mở ra hướng làm ăn mới trên vùng đất thuần nông.

Anh Dương Văn Đoàn - một trong những người đầu tiên ở xã nuôi ngựa bạch quy mô lớn và hiện là Hội trưởng Hội chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành cho biết, từ đầu năm 2000, gia đình anh và một số hộ trong làng đã bắt đầu nuôi ngựa bạch. Lúc đầu bà con thường đến Trung tâm chăn nuôi miền núi phía Bắc (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) ở thị xã Sông Công để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và lấy giống.

Sau nhiều năm chăn nuôi ngựa bạch, hiện tại một số hộ dân nơi đây đã thành công trong việc nhân giống ngựa bạch và năm 2008 các hộ chăn nuôi ngựa bạch được Trung tâm hỗ trợ thành lập Hội chăn nuôi ngựa bạch với 36 thành viên.

Đến nay, Hội chăn nuôi ngựa bạch tại làng Phẩm đã có 45 hội viên với hơn 200 ngựa giống. Tính sơ sơ thì tổng đàn ngựa bạch của xã Dương Thành hiện cũng có gần 600 con.

Nhờ chăn nuôi ngựa bạch, ngoài gia đình anh Dương Văn Đoàn, nhiều hộ dân khác trong làng như gia đình ông Đào Văn Thặng, Dương Quốc Mạnh, Dương Quang Bách, Dương Văn Ban… cũng có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.

Nuôi bán ngựa giống và ngựa thịt mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt nhưng việc nấu cao ngựa bạch còn cho thu nhập cao hơn rất nhiều, ít nhất cũng lãi thêm từ 10 đến 15 triệu đồng/con.

Theo các hộ chăn nuôi ngựa bạch trong làng, giá một con giống (khoảng 6-7 tháng tuổi) có giá từ 20 triệu đến 30 triệu đồng/con. Ngựa một năm rưỡi tuổi trở lên là có thể xuất chuồng với giá 50 đến 70 triệu đồng/con. Nếu nuôi một ngựa cái lấy giống thì mỗi năm thu lãi được trên 20 triệu còn nuôi ngựa thịt thì mỗi tháng cũng được đôi ba triệu đồng/con...

Chăn nuôi ngựa bạch không khó với nguồn thức ăn đơn giản, sẵn có tại địa phương như: cỏ, ngô, thóc, sắn. Điều quan trọng nhất là phải chọn đúng giống "ngựa bạch", con ngươi của mắt ngựa bạch bao giờ cũng tròn vào buổi sáng sớm và buổi tối nhưng cả ngày thì lại méo xệch. Chọn ngựa nái thì nên chọn con có mông to, tam sơn thấp, cổ cò.

Ngựa bạch hay mắc một số bệnh tụ huyết trùng, siêu mao trùng, ký sinh trùng máu nên quá trình chăm sóc cần có các kiến thức nhất định về thú y, phòng chữa bệnh cho ngựa kịp thời. Khi nuôi ngựa nái phải tính được thời gian mang thai, dấu hiệu cắn ổ để kịp thời đỡ đẻ, tiêm kháng sinh, tiêm phòng vắcxin...

Tiếp tục phát triển nghề chăn nuôi ngựa bạch, hiện nay Hội chăn nuôi ngựa bạch xã Dương Thành có trách nhiệm hỗ trợ hội viên về mặt kỹ thuật, hỗ trợ kinh phí khi ngựa của hội viên mắc bệnh hoặc chết; cung ứng giống cũng như tìm thị trường đầu ra. Các hội viên còn tình nguyện tham gia góp vốn đầu tư mua ngựa giống cho các hội viên mới.

Mỗi phường, đội trong hội phân công nhiệm vụ rõ ràng trong việc tìm nguồn giống cũng như tiêu thụ ngựa, cao ngựa...

Tuy vậy, nghề chăn nuôi ngựa bạch ở Dương Thành cũng còn nhiều khó khăn, nhất là việc huy động vốn đầu tư để mở rộng quy mô chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng rõ ràng, sản phẩm cao ngựa bạch Dương Thành chưa được bảo hộ, các hộ chăn nuôi chưa được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu làng nghề chăn nuôi ngựa bạch./.

Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục