Triển vọng đàm phán Mỹ-Triều sáng sủa hơn?

Các nhà quan sát cho rằng việc Kim Jong-un bày tỏ mong muốn đàm phán với Trump sẽ tạo điều kiện cho việc nối lại cuộc đối thoại hạt nhân vốn bị đình trệ sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội.
Triển vọng đàm phán Mỹ-Triều sáng sủa hơn? ảnh 1Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 27/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tổng hợp báo chí của phóng viên TTXVN tại Seoul (Hàn Quốc), trong phiên họp quan trọng của Quốc hội Triều Tiên ngày 12/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ sẵn sàng tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba với Tổng thống Mỹ Donald Trump để có được một thỏa thuận công bằng và nhượng bộ lẫn nhau.

Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của Kim Jong-un về hoạt động ngoại giao thượng đỉnh giữa Washington và Bình Nhưỡng, vốn được đặt dấu hỏi sau khi hội nghị thứ hai của ông với Trump tại Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua thất bại do những bất đồng về mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và phạm vi nới lỏng trừng phạt của Washington.

Kim Jong-un tuyên bố: "Nếu Mỹ đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh Triều-Mỹ lần thứ ba với một thái độ và phương thức đúng đắn, chúng tôi sẵn sàng làm điều đó một lần nữa. Tôi sẽ không ngần ngại ký một thỏa thuận nếu nó đáp ứng được lợi ích của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Mỹ... Điều này sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ và tính toán của Mỹ."

Các nhà quan sát cho rằng việc Kim Jong-un bày tỏ mong muốn đàm phán với Trump, mặc dù có giới hạn thời gian, sẽ tạo điều kiện cho việc nối lại cuộc đối thoại hạt nhân giữa hai nước vốn bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.

Trước đó một ngày, Trump đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Washington rằng ông sẵn sàng duy trì động lực đối thoại và sẵn sàng ký "các thỏa thuận nhỏ hơn" với Triều Tiên, một dấu hiệu về sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán trong tương lai với Kim Jong-un.

Câu chuyện kéo dài hàng tuần sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội được đánh dấu bởi sự căng thẳng, đồn đoán và dự báo tiêu cực khi Bình Nhưỡng khôi phục một cơ sở phóng tên lửa tầm xa quan trọng và tiếp tục vận hành cơ sở làm giàu urani tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon cùng với lời đe dọa ngừng đối thoại với Washington.

[Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói về khả năng thượng đỉnh lần 3 với Mỹ]

Việc người đứng đầu Triều Tiên tiếp tục nhấn mạnh "sự tự lực" đã làm gia tăng mối lo ngại rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục lập trường thách thức hoặc quay trở lại chiến thuật khiêu khích tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân bất chấp các lệnh trừng phạt làm tê liệt nặng nề nền kinh tế nước này.

Mặc dù đề cập đến hội nghị thượng đỉnh thứ ba có thể có với Trump, song Kim Jong-un dường như không muốn chờ đợi lâu khi ông kêu gọi Mỹ có một "quyết định can đảm từ nay cho đến cuối năm nay."

Việc đưa ra thời hạn chót này dường như nhằm làm nổi bật thực tế rằng Bình Nhưỡng vẫn có thể chịu được áp lực gia tăng từ các lệnh trừng phạt quốc tế do Mỹ đi đầu, trong khi Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt là công cụ chính để thay đổi hành vi của Triều Tiên.

Theo KCNA, Kim Jong-un đã bác bỏ ý kiến cho rằng "ông quan tâm tới hội nghị thượng đỉnh với Mỹ do khao khát được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt."

Kim Jong-un cũng nhắc nhở các quan chức nước này rằng cần phải "giáng một đòn mạnh vào các thế lực thù địch, những kẻ có đôi mắt đỏ ngầu, tính toán sai lầm rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến Triều Tiên phải quỳ xuống."

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Trump lập luận rằng ông bỏ đi vì Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt.

Bình Nhưỡng sau đó lại cho rằng họ chỉ yêu cầu dỡ bỏ một phần, song các quan chức tại Washington khẳng định rằng yêu cầu của Triều Tiên là dỡ bỏ gần như tổng số các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, việc Triều Tiên đề cập đến các biện pháp trừng phạt có thể cho thấy rõ Triều Tiên rất cần giảm nhẹ các lệnh trừng phạt để đạt được tiến bộ trong cái gọi là "chiến lược mới" được thông qua hồi năm ngoái tập, trung vào phát triển kinh tế cũng như kế hoạch phát triển quốc gia 5 năm đưa ra năm 2016.

Do các lệnh trừng phạt, kim ngạch thương mại của Triều Tiên với Trung Quốc - nhà bảo trợ chính duy nhất của Triều Tiên - cũng đã suy giảm đáng kể, khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên ngày càng gặp khó khăn trong việc thực hiện cam kết không để người dân của mình phải "thắt lưng buộc bụng."

Các nhà quan sát cho rằng nếu kế hoạch này không đạt bất kỳ kết quả hữu hình nào, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể bị mất mặt trong Đại hội Đảng Lao động cầm quyền ở Triều Tiên trong tương lai.

Thời gian dường như cũng không đứng về phía Trump vì ông cần có sự thay đổi lớn về chính sách đối ngoại trước “trận chiến” bầu cử diễn ra ở Mỹ vào năm tới. Nếu Mỹ-Triều không đạt được bất kỳ tiến bộ đáng kể nào trong các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay, Trump có thể gặp khó khăn khi nói hoạt động ngoại giao của ông với Kim Jong-un là thành công của chính ông.

Một số nhà quan sát cho rằng bất kỳ thất bại nào trong hoạt động ngoại giao thượng đỉnh của Trump đều có thể khiến các đối thủ chính trị của ông tận dụng để nhấn mạnh một lần nữa rằng Bình Nhưỡng đã "câu giờ" nhằm giảm đà trừng phạt của Mỹ, trong khi vẫn tiếp tục chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Điều nghi ngờ vẫn là liệu Mỹ và Triều Tiên có thể tìm thấy điểm chung hay không. Bình Nhưỡng đã ủng hộ cách tiếp cận theo từng giai đoạn, tăng dần trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, trong khi Washington đã thể hiện mong muốn đạt một "thỏa thuận lớn" phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên trước khi đưa ra bất kỳ "phần thưởng" quan trọng nào.

Để thu hẹp khoảng cách đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể tăng cường vai trò trung gian.

Trong hội nghị thượng đỉnh với Trump, Moon Jae-in tiết lộ kế hoạch tìm kiếm một hội nghị thượng đỉnh nữa với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đã xuất hiện tin đồn rằng Moon Jae-in có thể cử một đặc phái viên đến Bình Nhưỡng để tìm giải pháp cho thỏa thuận hạt nhân với Washington./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục