Theo Đài Sputnik, các hoạt động của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra gần đây tại Singapore thu hút sự chú ý của công luận, chủ yếu bởi tại đó ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đã hơn 10 năm nay, dư luận luôn đề cập đến sự cần thiết thông qua một bộ luật phổ quát giúp duy trì hòa bình, ổn định và quan hệ láng giềng thân thiện ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm lại đây Trung Quốc và các nước ASEAN mới tuyên bố rằng công việc này đang tiến dần tới giai đoạn hoàn tất.
Đáng chú ý trước hết là giữa các thành viên tham gia đàm phán đã có đánh giá chung rằng COC sẽ không phải là công cụ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ hoặc phân định ranh giới biển.
Tuy mọi người đều hiểu rằng các tranh chấp lãnh thổ sẽ không tự dưng biến mất nhưng vấn đề là ai sẽ giải quyết?
Về câu hỏi này, có nhiều đề xuất khác nhau đã được nêu ra.
Indonesia và Việt Nam cho rằng cần xem xét vấn đề trong khuôn khổ các cơ cấu được thành lập theo Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của các nước ASEAN.
Khâu theo dõi việc thực hiện Bộ Quy tắc trên nên tin cậy giao cho những cơ quan được tạo ra đặc biệt - như kiểu các cuộc gặp cấp bộ trưởng ngoại giao của 11 quốc gia hoặc các quan chức cấp cao của các nước này. Trung Quốc thì muốn tạo lập cơ chế theo dõi hoạt tính quân sự trong khu vực.
[Trung Quốc và ASEAN cần nhanh chóng hoàn tất COC trên Biển Đông]
Vậy các nhà đàm phán có đề xuất gì cho các nước thứ ba nằm bên ngoài Biển Đông?
Hiện chưa có thành viên nào trong khối mời những nước này tham gia vào Bộ Quy tắc nói trên. Brunei cho rằng chỉ cần Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết tương ứng là đủ và văn kiện đó sẽ buộc tất cả các nước trên thế giới phải tôn trọng.
Trung Quốc tỏ ra công khai nghi ngờ về phần tham gia (có thể) của các nước thứ ba vào vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh đề nghị loại trừ dự án kinh tế của các nước bên ngoài khu vực, và không tiến hành tập trận chung với họ.
Ngay bây giờ, điều này đã vấp phải sự phản đối từ phần lớn các thành viên ASEAN bởi dư luận chung hiểu rằng nếu chấp thuận những đòi hỏi đó của Trung Quốc thì sẽ biến Biển Đông thành "vùng chủ quyền thừa kế" của riêng Bắc Kinh.
Các nước đã vạch ra những lĩnh vực ưu tiên hợp tác của các thành viên tham gia ký kết COC.
Mặc dù những đề xuất là khác nhau, nhưng tổng hợp lại, có thể gọi tên những lĩnh vực tương tác ưu tiên không thể tranh cãi như bảo vệ môi trường sinh thái biển, nghiên cứu khoa học, an toàn lưu thông hàng hải, chống tội phạm xuyên biên giới...
Rõ ràng, để đạt được sự nhất trí về tất cả các nội dung vẫn còn phải trải qua nhiều giai đoạn thảo luận và thống nhất.
Có giả thiết rằng cần ít nhất là 3 lần đọc trước khi COC có được "dáng vẻ cuối cùng."
Nhưng những điều đã làm được cũng không ít. Chính yếu nhất là có sự hiểu biết của tất cả các bên về tính cần thiết của một văn kiện mang tính pháp lý như vậy bao gồm cả những kiến nghị cụ thể và triển vọng là những điểm chưa trùng khớp về chi tiết trong lập trường có thể "xích lại gần nhau."
Minh chứng cho thực tế là trong văn kiện dự thảo đã có sự chấp nhận với tất cả các điều mục là sự kiện: trong tháng 8/2018 sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân chung ASEAN-Trung Quốc. Tờ Straits Times gọi đây là “sự kiện được chờ đợi lâu nhất trong niên lịch khu vực.”
Có thông báo rằng cuộc tập trận này nhằm mục đích củng cố sự tin cậy và quan hệ thân thiện giữa lực lượng hải quân của các nước tham gia.
Ý tưởng tiến hành tập trận chung ASEAN-Trung Quốc trong chế độ thường xuyên đã được ghi trong dự thảo COC. Điều này có nghĩa bộ luật đang bắt đầu hoạt động mặc dù vẫn chưa được ký kết chính thức./.