Triển vọng kinh tế dài hạn của EU không sáng sủa

Chủ tịch EU cảnh báo, triển vọng kinh tế dài hạn của EU sẽ không mấy sáng sủa do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Triển vọng kinh tế dài hạn của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ không mấy sáng sủa do những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể làm giảm các nguồn đầu tư.

Đây là lời cảnh báo của tân Chủ tịch Hội đồng EU (Chủ tịch EU), Herman Van Rompuy tại hội nghị của đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo Đức, diễn ra ở Wildbad Kreuth, Đức ngày 7/1.

Theo ông Rompuy, cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay tiềm ẩn tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn của EU. Ông nhấn mạnh những điều kiện tài chính yếu kém hiện nay cùng với những rủi ro lớn hơn có thể là nguyên nhân chính làm giảm các dự án đầu tư trong lâu dài.

Sự gia tăng thất nghiệp hiện nay tại các nước EU có thể trở thành "mô hình chung" của khối kinh tế này, và sẽ tác động kéo dài tới chất lượng cũng như số lượng lao động.

Ông Rompuy khẳng định để chống lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, chính phủ các nước EU phải đưa ra những biện pháp quyết liệt để cứu các nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái lớn nhất trong vòng 80 năm qua.

Trước đó, trong buổi làm việc đầu tiên trên cương vị Chủ tịch EU, ông Rômpơi đã kêu gọi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 2 nhằm thảo luận về kế hoạch kinh tế của tổ chức trong 10 năm tới.

Các nhà phân tích cho rằng năm 2010 vẫn là một năm đầy khó khăn đối với châu Âu. Đặc biệt viễn ảnh kinh tế của các nước Tây Âu không sáng sủa và tình hình ở các nước Đông Âu còn hàm chứa nhiều rủi ro, bất trắc hơn.

Khủng hoảng tài chính và kinh tế đã biến nhiều nước Đông Âu như Hungari thành những mắt xích yếu trong EU.

Dự báo tăng trưởng của các nước đứng đầu EU như Pháp, Đức, Anh vẫn còn yếu ớt và mong manh, trong khi nạn thất nghiệp tiếp tục lan mạnh. Tờ Economist Intelligence Unit nhận định, GDP của Pháp năm nay chỉ có thể đạt 0,9%, Đức yếu hơn Pháp, với 0,8% và Anh thấp nhất ở mức 0,6%.

Với dự báo trên, các nhà phân tích cho rằng ở châu Âu ngày nay, không ai còn kỳ vọng vào mô hình tăng trưởng chữ V, nghĩa là đột phá trỗi dậy, sau thời gian suy giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục