Triều Tiên khẳng định vẫn có thiện chí đàm phán hạt nhân với Mỹ

Việc Bình Nhưỡng muốn quay lại đối thoại diễn ra sau khi Mỹ đề cập đến những đảm bảo an ninh và cơ hội kinh tế cho một nước Triều Tiên phi hạt nhân.
Trong ảnh (tư liệu): Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui (giữa). (Nguồn: YONHAP/TTXVN)
Trong ảnh (tư liệu): Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui (giữa). (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui ngày 9/9 cho biết Bình Nhưỡng có thiện chí đàm phán với Mỹ "tại địa điểm và thời điểm đã được nhất trí hồi cuối tháng Chín." Thông báo trên đã giải tỏa hoài nghi về cam kết đàm phán của Triều Tiên sau khi nước này từng phản ứng gay gắt đối với cuộc tập trận quân sự Hàn-Mỹ hồi tháng trước.

Giới chuyên gia cho rằng động thái trên cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn đang theo đúng lộ trình nối lại cuộc đàm phán hạt nhân song phương trong tháng này.

Việc Bình Nhưỡng muốn quay lại đối thoại diễn ra sau khi Mỹ đề cập đến những đảm bảo an ninh và cơ hội kinh tế cho một nước Triều Tiên phi hạt nhân, trong khi vẫn bóng gió khả năng Hàn Quốc và Nhật Bản tìm cách vũ trang hạt nhân để đối phó kho vũ khí của Triều Tiên.

Giáo sư về Triều Tiên thuộc Đại học Dongguk, Koh Yoo-hwan cho biết: "Cùng với những cử chỉ hòa giải để giúp thúc đẩy đà đối thoại, Mỹ gần đây thể hiện một thái độ cởi mở hơn về các quyền tự vệ của Triều Tiên... trong khi đó, Triều Tiên dường như đang tìm kiếm đà đối thoại mới." Tuy nhiên, chuyên gia trên cho rằng vẫn còn nhiều lo ngại về sự nhượng bộ trong các cuộc thương lượng sắp tới. 

Thực vậy, cuộc thương lượng Mỹ-Triều có khả năng đối mặt nhiều khó khăn khi Thứ trưởng Choe Son-hui kêu gọi "cách tiếp cận mới" từ Mỹ, đồng thời cảnh báo nếu không, cuộc thương lượng giữa hai nước "có thể chấm dứt."

[Giới chức Hàn-Mỹ điện đàm về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên]

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những tình huống khẩn cấp chính trị ở cả Mỹ và Triều Tiên có thể khuyến khích hai nước trở nên linh hoạt hơn trong các cuộc thương lượng sắp tới.

Trước thềm chiến dịch tái tranh cử của mình, Tổng thống Donald Trump có thể cần có kết quả rõ ràng hơn trong chính sách Triều Tiên. Còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đang phải đối mặt với sức ép cần đạt tiến triển thực sự trong kế hoạch vực dậy nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là khi ông đưa ra sáng kiến phát triển kinh tế 5 năm hồi năm 2016.

Washington và Bình Nhưỡng đã lên kế hoạch tái khởi động cuộc đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên trong tháng Bảy vừa qua, tuy nhiên kế hoạch này đã không được thực hiện và Triều Tiên liên tiếp tiến hành phóng thử các vật thể tầm ngắn được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn để phản đối cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, cũng như gây sức ép với chính quyền Washington./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục