Triều Tiên - Thách thức đối với chính quyền mới của ông Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải đối mặt với một Triều Tiên đang thất vọng về điều mà họ coi là ngoại giao thất bại và mong muốn tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Triều Tiên - Thách thức đối với chính quyền mới của ông Biden ảnh 1Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un. (Nguồn: KCNA)

Trang mạng East Asia Forum đã đăng bài viết phân tích về "thách thức mang tên Triều Tiên" đối với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nội dung như sau:

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lựa chọn "chính sách ngoại giao độc đáo" với Triều Tiên, theo đó nhấn mạnh mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo và cách tiếp cận “đơn độc” nhằm giảm thiểu việc tham vấn với các bên liên quan khác.

Mặc dù cách tiếp cận này đã dẫn đến các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nhưng nó đã không thể khiến Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1, ông sẽ phải đối mặt với một Triều Tiên đang thất vọng về điều mà họ coi là ngoại giao thất bại và mong muốn tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Để nâng cao cơ hội đạt được tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ông Biden nên tìm kiếm sự phối hợp tốt hơn với các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản trong bất kỳ tiến trình ngoại giao nào trong tương lai.

Ông Biden cũng cần tìm kiếm sự hợp tác từ Trung Quốc, vì vai trò của nước này rất quan trọng.

Tổng thống Mỹ Biden, người đã chỉ trích ông Trump về việc “hợp pháp hóa” ông Kim Jong-un thông qua việc tổ chức các hội nghị thượng đỉnh, khó có khả năng lặp lại các cuộc đàm phán ngoại giao "kiểu Trump."

Tổng thống Biden xác nhận rằng ông sẽ chỉ sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu Kim Jong-un đồng ý giảm bớt khả năng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Hiện vẫn chưa rõ hình thức tiến trình đàm phán nào có thể diễn ra nếu có và Triều Tiên có sẵn sàng theo đuổi sau khi ông Trump rời nhiệm sở không.

[Mỹ tái khẳng định quan hệ liên minh quốc phòng với Hàn Quốc, Nhật Bản]

Triều Tiên ưa thích cách tiếp cận “từ trên xuống” với ông Trump, coi trọng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo và tránh các cuộc đàm phán cấp chuyên viên nhằm loại bỏ các tiểu tiết.

Kim Jong-un rất hy vọng rằng phong cách tự do của ông Trump - loại bỏ các cuộc đối thoại cấp thấp hơn - sẽ tạo ra kết quả có lợi cho ông. Việc thiếu các bước đi tiếp theo là một đặc điểm khác của chính sách ngoại giao này, theo đó tạo ra những tuyên bố mơ hồ nhưng không có kết quả phi hạt nhân hóa rõ ràng.

Trong khi Triều Tiên không loại trừ khả năng ngoại giao với chính quyền mới của Mỹ, nước này đã nói rõ rằng họ muốn Washington phải nhượng bộ.

Tại Đại hội VIII Đảng Lao động Triều Tiên vừa kết thúc đầu tháng Một vừa qua, Kim Jong-un đã gọi Mỹ là “kẻ thù lớn nhất” của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng chìa khóa để thiết lập một mối quan hệ song phương mới là Mỹ phải từ bỏ “chính sách thù địch” của nước này.

Cụm từ này đề cập đến một loạt biện pháp trong danh sách mong muốn của Bình Nhưỡng, bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và chấm dứt các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Cũng tại cuộc họp này, Triều Tiên cho biết họ sẽ tiếp tục theo đuổi các cải tiến về số lượng và chất lượng trong các lực lượng hạt nhân và hệ thống vũ khí của mình. Bình Nhưỡng đề cập đến một danh sách chi tiết về các loại vũ khí tinh vi đang được phát triển, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật và tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn.

Bình Nhưỡng có thể tin rằng thời gian đang đứng về phía họ vì nhiều vũ khí hơn không chỉ có nghĩa là nhiều biện pháp hơn để bảo vệ đất nước mà còn là đòn bẩy lớn hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán ngoại giao nào trong tương lai.

Một vấn đề mà ông Biden phải đối mặt sớm trong nhiệm kỳ tổng thống là liệu ông có nên đảo ngược cam kết mà ông Trump đưa ra sau cuộc gặp đầu tiên với ông Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018 hay không.

Khi đó, ông Trump tuyên bố rằng ông sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn mà Triều Tiên coi là hành động khiêu khích mặc dù không có bất kỳ nhượng bộ hữu hình đáp lại nào từ phía Bình Nhưỡng.

Kể từ đó, Mỹ và Hàn Quốc đã đình chỉ hoặc giảm bớt các cuộc tập trận quy mô lớn. Đại dịch COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn các cuộc tập trận năm 2020. Việc nối lại các cuộc tập trận như vậy sẽ giúp các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tốt hơn cho mọi tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng có thể coi việc khôi phục hoạt động này như một cái cớ để thực hiện các hành động khiêu khích mới.

Một quyết định dễ dàng hơn đối với ông Biden, mà phù hợp với chính sách đối ngoại tổng thể của ông, là tạo điều kiện cho các cuộc tham vấn chặt chẽ hơn với các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản về các vấn đề an ninh nói chung và mối đe dọa từ Triều Tiên nói riêng.

Người Hàn Quốc bị sốc khi ông Trump tuyên bố ngừng các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Hàn mà không tham vấn ý kiến họ. Nhật Bản cũng lo lắng rằng Mỹ sẽ thu hẹp quy mô hoặc thậm chí rút quân khỏi Hàn Quốc, điều này sẽ gây ra những tác động an ninh lớn cho đất nước này.

Những khác biệt như vậy có thể bị Triều Tiên khai thác. Để đảm bảo sự ổn định trong khu vực, Mỹ cần tiến hành tham vấn chặt chẽ hơn với các đồng minh về hình thức đàm phán với Triều Tiên và những nhượng bộ có thể tác động đến họ trong bất kỳ hoạt động ngoại giao nào trong tương lai.

Ông Biden cũng sẽ cần tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên bất chấp mối quan hệ chung giữa Washington và Bắc Kinh đang lạnh nhạt. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc không có chung quan điểm về "mối đe dọa mang tên Triều Tiên" và có lẽ sẽ không bao giờ đồng thuận được về vấn đề này, song hai nước này đã thành công trong việc phối hợp các phương pháp tiếp cận một cách hạn chế trong quá khứ.

Ông Biden cần tìm ra điểm chung này với Trung Quốc, nước tiếp tục là đối tác thương mại và đồng minh chính trị quan trọng nhất của Triều Tiên, nắm giữ chìa khóa cho bất kỳ giải pháp ổn định nào cho vấn đề Triều Tiên.

Việc giữa Mỹ và Triều Tiên có diễn ra hoạt động ngoại giao hay không vẫn là điều chưa rõ ràng. Nếu giữa hai nước có hoạt động ngoại giao, ông Biden nên đảm bảo rằng chính quyền Mỹ sẽ phối hợp với các bên liên quan chính ở mức độ tốt nhất có thể./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục