Trình bày sáng kiến sàn an sinh xã hội tại Geneva

Sáng kiến sàn an sinh xã hội của Việt Nam đã được trình bày tại Triển lãm phát triển Nam-Nam đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Sáng kiến sàn an sinh xã hội để tiến tới thực hiện chiến lược an sinh xã hội năm 2011-2020 của Việt Nam đã được bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày ngày 24/11 tại Triển lãm phát triển Nam-Nam đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.

Theo sáng kiến này, đến năm 2020, về cơ bản đảm bảo tất cả mọi người đều được tiếp cận và được hưởng lợi từ các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, đóng góp vào giảm nghèo bền vững, ổn định chính trị xã hội. Mục tiêu cụ thể là tất cả người dân đều được tham gia, trong đó ưu tiên cho những đối tượng yếu thế như người nghèo, người sống ở những khu vực bất lợi, người dân tộc thiểu số, người thất nghiệp, người khuyết tật, trẻ em, người già, người bị ốm đau, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, và những rủi ro bất khả kháng khác.

Triển lãm phát triển Nam-Nam diễn ra từ ngày 22-26/11 tại trụ sở của ILO ở Geneva, Thụy Sĩ đã thu hút hơn 60 đoàn đại biểu từ các nước thành viên Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và các tổ chức quốc tế đã tham gia

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm dẫn đầu.

Trong khuôn khổ của triển lãm lần này đã diễn ra các hội thảo với các chủ đề liên quan đến an sinh xã hội, việc làm bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, môi trường, HIV/AIDS, y tế thế giới và giáo dục.
 
Tại hội thảo về an sinh xã hội và việc làm bền vững, các đại biểu cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ảnh hưởng tồi tệ đến việc làm, sức khỏe và điều kiện làm việc ở các nước phương Nam, nếu không có những biện pháp ngăn chặn thì rất nhiều người sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ và bần cùng.

Mục tiêu đạt được việc làm bền vững cho tất cả mọi người bao gồm giải quyết hàng loạt các thách thức trong đó có tỷ lệ cao ở mức báo động về thất nghiệp và thiếu việc làm, lao động trẻ em, bất bình đằng giới, việc làm không hiệu quả và kém chất lượng, điều kiện làm việc không an toàn, thu nhập không ổn định... đòi hỏi phải có các chính sách xã hội lồng ghép nhằm bảo vệ người dân không bị sa vào cảnh nghèo khổ./.

Lê Thanh/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục