5 năm sau cuộc chiến

Tròn năm năm cuộc chiến Nga-Gruzia ở Nam Ossetia

Ngày 8/8/2013 đã đánh dấu tròn 5 năm cuộc chiến ngắn ngày giữa Nga và Gruzia, vẫn được biết tới với cái tên Chiến tranh Nam Ossetia.
Ngày hôm qua, 8/8/2013 đã đánh dấu tròn năm năm cuộc chiến ngắn ngày giữa Nga và Gruzia, vẫn được biết tới với cái tên Chiến tranh Nam Ossetia hay Cuộc chiến Năm ngày. Ngày 8/8/2008, khi Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh đang diễn ra thì cuộc Chiến tranh Nam Ossetia giữa một bên là Gruzia và một bên là các lực lượng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia với sự hỗ trợ của Liên bang Nga đã nổ ra. Từ những cuộc chạm súng lẻ tẻ giữa các lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp đã bùng nổ thành một một chiến quy mô lớn vào đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8 tháng 8 năm 2008, mở đầu bằng cuộc tấn công của quân đội Gruzia vào khu vực ly khai Nam Ossetia. Ngày hôm sau quân đội Nga đã tấn công các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia rồi sau đó tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia, buộc Tbilisi phải chấp nhận hòa bình, chấm dứt xung đột. Lịch sử phức tạp Về lịch sử, ngày 10/11/1989 Hội đồng dân biểu tỉnh tự trị Nam Ossetia đã chuyển đổi tỉnh này thành nước cộng hòa tự trị trong thành phần nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Gruzia. Tuy nhiên, Hội đồng tối cao Gruzia xác nhận quyết định của các dân biểu Nam Ossetia là trái với Hiến pháp. Các nhà dân tộc chủ nghĩa Gruzia sau đó đã bao vây phong tỏa Tskhinvali trong vòng 4 tháng. Ngày 20/9/1990 quốc hội Nam Ossetia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa, nhưng ngày 10/12, Hội đồng tối cao Gruzia tuyên bố bãi bỏ tỉnh tự trị Nam Ossetia. Sang ngày hôm sau Gruzia áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Tskhinvali. Trong tháng 11/1991 quân đội Gruzia đã được triển khai ở Nam Ossetia. Tình trạng căng thẳng đã dẫn đến đụng độ quân sự lớn làm nhiều người thương vong ở cả hai bên. Theo các đánh giá khác nhau, từ tháng 11/1990 đến tháng 7/1992 hậu quả cuộc xung đột đã làm thiệt mạng từ 2 nghìn đến 4 nghìn người. Ngày 24/6/1992 tại Sochi, Tổng thống Nga Boris Eltsin, Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Gruzia Eduard Shevardnadze cùng các đại diện của Nam và Bắc Ossetia ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết xung đột. Theo văn kiện này, vào tháng 7/1992 các lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp Nga-Gruzia-Nam-Bắc Ossetia đã được đưa đến khu vực xung đột, điều này cũng dẫn đến việc ngừng các hành động quân sự và bắt đầu quá trình đàm phán. Ở Nam Ossetia đã diễn ra hai lần trưng cầu dân ý về tương lai của nước cộng hòa - vào tháng 1/1992 và tháng 11/2006. Đại đa số cử tri trong các cuộc trưng cầu ý dân này (khoảng 99%) đã lựa chọn cho sự độc lập của Nam Ossetia.
Cuộc chiến Năm ngày
Bối cảnh của cuộc xung đột Gruzia-Nam Ossetia bắt đầu lên đỉnh điểm vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2008. Cuộc giao tranh dữ dội nổ ra vào đêm ngày 7 rạng sáng ngày 8/8/2008, khi Gruzia đã bị pháo kích lớn vào Tskhinvali, và sau đó nỗ lực chiếm đóng Nam Ossetia.
Tròn năm năm cuộc chiến Nga-Gruzia ở Nam Ossetia ảnh 1
Xe tăng Nga tiến vào Nam Ossetia trong cuộc chiến năm 2008 (Nguồn: AFP)
Ngày 8/8/2008, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch buộc Gruzia phải đi tới hòa bình ở khu vực xung đột. Cùng ngày, với lý do bảo vệ công dân Nga và hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực xung đột Liên bang Nga đã quyết định đưa khoảng 10 nghìn quân nhân và hàng trăm đơn vị xe bọc thép vào Nam Osstia, đồng thời cánh quân trên biển gồm các tàu chiến hạng nặng của Hạm đội Biển Đen cũng tiến vào bờ biển của Abkhazia. Cuộc xung đột quy mô lớn, còn gọi là cuộc chiến Năm ngày, giữa Nga và Gruzia chính thức bắt đầu. Ngày đầu tiên của cuộc xung đột quân đội Nga không tham gia vào các hoạt động chiến đấu mãnh liệt. Ngày 9/8, Abkhazia đã chính thức tham gia vào cuộc đối đầu vũ trang với Gruzia, sau khi mở chiến dịch buộc quân đội Gruzia phải rút khỏi hẻm núi Kodori. Trong cùng ngày đã ghi nhận nỗ lực đầu tiên của quân đội Nga nhằm chiếm thành phố Tskhivali, nhưng đến 11/8 quân đội Gruzia đã tổ chức phát động một cuộc phản công hòng chiếm lại Tskhinvali, và sang ngày hôm sau quân đội Gruzia bị đánh bật khỏi Nam Ossetia. Ngày 12/8 phía Nga tuyên bố chính thức về việc kết thúc chiến dịch buộc Gruzia phải đi đến hòa bình, ngày 13/8 Abkhazia cũng thông báo kết thúc chiến dịch giải phóng Kodori.
Nhiều dân thường thiệt mạng
Theo thông tin từ Ủy ban điều tra trực thuộc công tố Liên bang Nga, tham gia tấn công vào Nam Ossetia về phía Gruzia gồm có 17.000 quân nhân với sự yểm trợ của 100 xe tăng, 70 xe bọc thép, 110 khẩu pháo và 30 hệ thống pháo phản lực phóng loạt. Ngày 20/8, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga thông báo rằng, sau các hoạt động quân sự vừa qua phía Nga có 64 quân nhân hi sinh và 323 người bị thương. Ngày 11/9, Ủy ban điều tra công bố có 66 quân nhân Nga thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Nga công nhận chính thức mất 4 máy bay. Khoảng 36.000 dân thường đã phải dời bỏ nhà cửa ở Nam Ossetia trong những ngày đầu tiên của cuộc tấn công từ phía Gruzia, trong khi toàn bộ dân số của vùng lãnh thổ này chỉ khoảng 50 nghìn người. Theo thông tin từ Ủy ban điều tra công bố vào năm 2009, đã có 162 dân thường thiệt mạng và 255 người bị thương. Theo các thông tin khác nhau, phía Gruzia có 228 dân thường và 169 quân nhân thiệt mạng. Tổn thất về không quân của Tbilisi gồm 3 máy bay và 4 trực thăng. Các hành động quân sự ở Nam Ossetia dẫn đến một thảm họa nhân đạo: thủ đô của nước cộng hòa được Nga công nhận đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, phần còn lại của thành phố không có nước, điện, khí đốt, nhà máy xử lý nước thải. Ở Tskhinvali và các thị trấn khác đã bị phá hủy hoàn toàn và 655 ngôi nhà bị đốt cháy, 2139 ngôi nhà bị phá hủy một phần. Thiệt hại gây ra cho ngành công nghiệp điện của Nam Ossetia ước tính 1 tỷ 180 triệu rúp, trong đó hệ thống cung cấp khí đốt bị thiệt hại 470 triệu rúp.
Tròn năm năm cuộc chiến Nga-Gruzia ở Nam Ossetia ảnh 2
Quang cảnh một khu dân cư ở Nam Ossetia bị tổn hại hôm 18/8/2008 (Nguồn: AFP)
Sau cuộc chiến Năm ngày, quan hệ giữa Nga và Gruzia luôn trong tình trạng căng thẳng và hiện giờ vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rustavi-2 của Gruzia ngày 6/8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói Nga không hoan nghênh ý định của Gruzia gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì điều này gây thêm căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Gruzia cũng như trong khu vực nói chung. Bình luận về tuyên bố của lãnh đạo NATO rằng liên minh này vẫn mở đối với Gruzia, ông Medvedev cho rằng điều này thật tai hại trong một số tình huống, bởi nếu không có tuyên bố như vậy, có thể đã không xảy ra cuộc "phiêu lưu quân sự" của Tổng thống Gruzia khi đó, Mikhail Saakashvili hồi năm 2008, khi diễn ra cuộc xung đột quân sự tại vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia của Gruzia./.
Hoàng Long

Tin cùng chuyên mục