Trông giữ xe ở Hà Nội: Huy động nguồn vốn xã hội hóa, chống thất thu

Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng tại khu vực nội đô nhằm cải thiện đáng kể “cơn khát” dịch vụ giao thông tĩnh ở Thủ đô.
Trông giữ xe ở Hà Nội: Huy động nguồn vốn xã hội hóa, chống thất thu ảnh 1Mặc dù có biển cấm, nhưng ôtô vẫn đỗ ngang nhiên trước cổng trường học trên phố Hòa Mã (Hà Nội). (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Đức Bảo cho biết Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã cấp phép sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe cho 31 đơn vị với diện tích 31.705m2 trên 134 tuyến đường, phố.

Năm 2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu phí đỗ xe lòng đường và nộp ngân sách thành phố trên 46 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2022 đã thu phí và nộp ngân sách thành phố trên 20 tỷ đồng.

Ngoài ra, 12/30 quận, huyện, thị xã cũng tổ chức cấp phép trông, giữ xe thuộc thẩm quyền với tổng diện tích cấp phép là 91.930m2 đã thu phí và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Trong khi thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề giao thông tĩnh, việc sử dụng tạm thời lòng đường để trông, giữ xe vừa giải quyết nhu cầu gửi xe cho người dân, vừa đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tránh thất thoát nguồn thu

Theo ông Trần Đức Bảo, Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã là đơn vị tổ chức cấp phép sẽ thực hiện thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông, giữ xe đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép; mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội và nộp 100% số phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Theo đó, tổ chức, cá nhân được cấp phép tổ chức thực hiện việc trông, giữ xe và thu giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô trên địa bàn thành phố theo quy định tại Quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của Ủy ban Nhân dân thành phố về việc Ban hành giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, ôtô trên địa bàn.

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thu trên 66 tỷ đồng phí đỗ xe lòng đường, nộp ngân sách thành phố. Ngoài ra, các quận, huyện cũng cấp phép trông giữ phương tiện và thu phí nộp ngân sách theo quy định. Thành phố không phải bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tổ chức công tác trông, giữ xe và thu phí.

Để tránh thất thoát nguồn thu, Sở Giao thông Vận tải đã giao cho Thanh tra giao thông vận tải xây dựng kế hoạch hàng năm; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc Công an thành phố, Sở Tài chính, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động trông, giữ xe trên địa bàn thành phố.

Giải pháp lâu dài

Bên cạnh giải pháp tình thế như trên, thành phố Hà Nội cũng tăng cường huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây dựng các bãi trông giữ xe. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai vẫn đang gặp nhiều vướng mắc.

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, để tháo gỡ cho các nhà đầu tư, Hội đồng Nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách, tăng tính hấp dẫn; đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi cũng như hài hòa lợi ích giữa các bên.

[Tình trạng trông giữ xe ở nội thành Hà Nội: Tràn lan vi phạm]

Trong số đó phải kể đến một số chính sách nổi bật như ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; ưu đãi về thuê đất, giao đất; lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng; hỗ trợ thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, công nghệ cao; đa dạng đối tượng tham gia đầu tư.

Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã tham gia xây dựng các bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng trên địa bàn thành phố bằng nguồn vốn xã hội hóa và đi vào hoạt động nhận đã được nhiều phản hồi tích cực, góp phần cải thiện cho nhu cầu đỗ xe tĩnh cho người dân.

Trông giữ xe ở Hà Nội: Huy động nguồn vốn xã hội hóa, chống thất thu ảnh 2Ôtô đỗ kín một bên lòng đường phố Ngô Văn Sở, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN)

“Nguyên nhân chính của việc các dự án bãi đỗ xe chưa thu hút nhà đầu tư bởi chính quyền đô thị chưa xác định rõ mục tiêu của các bãi đỗ xe. Nếu coi đây là một ngành kinh tế có thu, cần một chính sách nhất quán và khả thi. Để tăng diện tích bãi đỗ xe, tổ chức không gian ngầm là vấn đề cần làm sớm, bên cạnh đó cần phải huy động nguồn lực của người dân phải có chính sách thu phí và xử lý vi phạm,” Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó, có quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng ngầm bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ với 78 địa điểm xây dựng có tổng diện khoảng 104ha.

Giai đoạn từ nay đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng.

Nếu như kế hoạch trên trở thành hiện thực, đặc biệt khi các bãi xe công cộng ngầm ở khu vực nội đô được đưa vào khai thác sẽ cải thiện đáng kể “cơn khát” dịch vụ giao thông tĩnh ở Thủ đô, giải tỏa bức xúc của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục