Trọng tâm mới trong chiến lược cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung

Trong một thời gian dài sắp tới, "cạnh tranh là chủ yếu, hợp tác có giới hạn" rất có thể sẽ là tông điệu chính của quan hệ Mỹ-Trung.
Trọng tâm mới trong chiến lược cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng quốc tế (cfisnet.com), việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện chính sách "tách rời" với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mọi mặt trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời tác động nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế-thương mại và xã hội vốn rất chặt chẽ giữa hai nước.

Ngoài ra, sự xuất hiện và hoành hành của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu cũng dẫn đến những mâu thuẫn kinh tế xã hội phức tạp đan xen. Dưới đây là những đánh giá về tác động của chính sách "tách rời" trên ba khía cạnh.

Tác động của các chính sách "tách rời" trong quá khứ

Thứ nhất, quan hệ thương mại và đầu tư Mỹ-Trung đã bị ảnh hưởng, nhưng vẫn đang thể hiện xu thế tăng trưởng, và mục tiêu "tách rời" dự kiến của Mỹ đã không thành công. Trong lĩnh vực thương mại, kể từ năm 2019, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ có xu hướng trước giảm sau tăng.

Năm 2019, Mỹ tụt xuống vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Tuy nhiên, đến quý 3 và 4/2020, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ lại phục hồi mạnh mẽ, tăng lần lượt 17,6% và 34,3% so với cùng kỳ năm trước đó.

Các nhà phân tích kinh tế chỉ ra rằng mức thuế cao mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm nghiêm trọng trong giai đoạn đầu cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, do Mỹ không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc trong ngắn hạn, nên hầu hết các công ty Mỹ đã tìm mọi cách để "lách" thuế quan và không ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Hầu như toàn bộ chi phí từ thuế quan đều do các nhà nhập khẩu Mỹ gánh chịu.

[Triển vọng cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc]

Trong lĩnh vực đầu tư, sau khi Mỹ bắt đầu thực hiện hệ thống kiểm tra giám sát đầu tư nước ngoài chặt chẽ hơn, đầu tư trực tiếp hai chiều và đầu tư mạo hiểm của hai nước đã giảm đáng kể, nhưng sự thay đổi trong đầu tư chứng khoán song phương không có nhiều thay đổi.

Thậm chí, tổng lượng đầu tư chứng khoán của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng lên theo từng năm. Một số chuyên gia cho rằng quan hệ đầu tư Mỹ-Trung hiện nay là một trong những mối quan hệ đầu tư lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Trong mấy năm qua, lượng chứng khoán Trung Quốc do các nhà đầu tư Mỹ nắm giữ đã tăng nhanh chóng. Việc Mỹ "tách rời" Trung Quốc tạo ra rủi ro lớn hơn cho dòng vốn giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng rõ ràng không làm giảm nhu cầu thị trường, cũng như không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lưu thông dòng vốn.

Thứ hai, việc Mỹ ngăn chặn sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc không chỉ gây sức ép với các công ty và ngành nghề sản xuất cụ thể của Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến các chủ thể thị trường khác.

Là nhà cung cấp chip quan trọng cho tập đoàn công nghệ Huawei, các công ty như Qualcomm và AMD đều bị thua lỗ nặng. Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ đã công khai tuyên bố rằng lệnh cấm đối với Huawei đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ.

Một cuộc khảo sát năm 2020 của Boston Consulting Group cho thấy nếu duy trì các hạn chế như hiện nay, Mỹ sẽ mất 8% thị phần toàn cầu và 16% doanh thu của ngành này.

Ngoài ra, các nhà cung cấp ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng lớn. Kể từ cuối năm ngoái, tình trạng "thiếu chip" mà thế giới gặp phải có liên quan trực tiếp đến sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Trong lĩnh vực truyền thông 5G, Mỹ vi phạm quy luật thị trường, buộc từ chối các công nghệ tiên tiến, tác động tiêu cực rất lớn đến sự tiến bộ và phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông toàn cầu.

Thứ ba, chính sách "tách rời" đã gây ra hàng loạt hiệu ứng tiêu cực đến các tầng mức chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc và Mỹ, đã dẫn đến sự lo lắng chung của những người hiểu biết Trung Quốc trong lòng nước Mỹ.

Tháng 7/2019, Giáo sư Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, J. Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và Michael D. Swaine, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie về hòa bình quốc tế, đã có bức thư công khai đăng trên trang mạng Washington Post với tựa đề "Trung Quốc không phải là kẻ thù," trong đó chỉ ra rằng việc Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù và cố gắng "tách rời" Trung Quốc khỏi nền kinh tế toàn cầu sẽ làm tổn hại đến vai trò và tiếng nói quốc tế của Mỹ, đồng thời làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của các quốc gia trên thế giới.

Họ đã kêu gọi Chính phủ Mỹ điều chỉnh chính sách và gần 100 học giả, giới chính trị, doanh nhân ở Mỹ đã ký vào bức thư ngỏ này.

Công nghệ cao: Trọng điểm "tách rời" mới?

Sau khi lên nắm quyền, Chính quyền Tổng thống Biden đã xác định "Xây dựng lại tốt đẹp hơn" (Build Back Better) và "tái định hình vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ" là trọng điểm chính sách đối nội và đối ngoại.

Về chính sách đối với Trung Quốc, cho dù là ông Biden, Ngoại trưởng Blinken hay các quan chức chính phủ cấp cao khác đều tiếp tục phát đi tín hiệu ủng hộ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, trong các bài phát biểu đều coi Trung Quốc là "mối đe dọa."

Ngày 21/4, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật Cạnh tranh chiến lược năm 2021" với đa số phiếu. "Cạnh tranh toàn diện đối với Trung Quốc" đã trở thành một trong số ít những vấn đề của hai đảng trong Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc.

Điều này cho thấy môi trường trong và ngoài nước khiến chính sách "tách rời" Trung Quốc của chính quyền ông Trump về cơ bản vẫn không thay đổi. Mọi chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền ông Biden đều dựa trên thực tế công việc nội bộ của Mỹ, do đó có thể dự báo chính sách "tách rời" của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ được tiếp tục thực hiện.

Trong tương lai, trong lĩnh vực kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, chính quyền Tổng thống Biden rất có thể sẽ duy trì lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc và tiếp tục thúc đẩy sự trở lại và tái định hình một phần chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất quan trọng.

Ngày 01/3/2021, trong "Chương trình nghị sự Thương mại năm 2021" được trình lên Quốc hội, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã chỉ ra rằng chính quyền ông Biden sẽ xây dựng một chiến lược toàn diện đối với Trung Quốc để đối phó với "các hành vi kinh tế và thương mại mang tính cưỡng chế và không công bằng" của Bắc Kinh.

Trong các lĩnh vực và ngành công nghiệp chủ chốt mà chính quyền ông Biden dự định trấn hưng trong nước, việc di dời và chuyển dịch chuỗi cung ứng có khả năng dần trở thành hiện thực.

Ngày 12/4, Nhà Trắng đã triệu tập giám đốc điều hành của 19 công ty công nghệ và chip bán dẫn hàng đầu, bao gồm Google, Intel, TSMC, Samsung... để tổ chức một hội nghị trực tuyến quốc tế, tuyên bố sẽ tập trung tái phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của Mỹ.

Lĩnh vực công nghệ cao sẽ tiếp tục là trọng điểm "tách rời" của Mỹ đối với Trung Quốc. Cuộc chiến giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao mới bắt đầu, việc ngăn chặn dòng chảy của công nghệ và nhân sự quan trọng đến Trung Quốc sẽ là điểm cốt lõi trong chiến dịch này.

Tuy nhiên, Chính quyền ông Biden cũng thừa nhận việc cắt đứt quan hệ công nghệ, nhân sự và vốn của Trung Quốc một cách không phân biệt sẽ gây thêm rủi ro và chi phí lớn cho chính Mỹ. 

Trước đây, một số chính sách "tách rời" dưới thời Chính quyền ông Trump đã tiến hành quá rộng. Động thái này đã bị giới công nghệ Mỹ cũng như giới kinh doanh chỉ trích, đồng thời cũng gặp phải lực cản không nhỏ trong quá trình thực thi.

Chính quyền Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ thực hiện chiến lược "tách rời toàn diện" chuyển thành "tách rời có chọn lọc," kiên quyết thực hiện "tách rời" Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ cốt lõi quan trọng, nhưng sẽ cho phép trao đổi thêm nhân sự, công nghệ và vốn đối với các lĩnh vực không quan trọng.

Trong một thời gian dài sắp tới, "cạnh tranh là chủ yếu, hợp tác có giới hạn" rất có thể sẽ là tông điệu chính của quan hệ Mỹ-Trung. Nhiều yếu tố trong và ngoài nước quyết định Mỹ sẽ duy trì tình trạng cạnh tranh với Trung Quốc trong thời gian dài và tiếp tục chính sách "tách rời" với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một sự "tách rời" toàn diện đối với Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến lợi ích và năng lực cạnh tranh của Mỹ. Trong tương lai, chính sách "tách rời" mà Mỹ thực hiện đối với Trung Quốc sẽ thể hiện thành "tách rời" "có chọn lọc," tập trung vào một số ngành và lĩnh vực then chốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục