Trưng bày những chú gấu biểu tượng cho mối quan hệ Đức-Việt Nam

Những chú gấu được chọn từ cuộc thi trang trí nghệ thuật kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam sẽ được trưng bày tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam từ ngày 16/11.
Ba nghệ sỹ nhận giải thưởng từ Đại sứ quán Đức cho tác phẩm của mình trong lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước diễn ra ngày 6/11. (Ảnh: Đại sứ quán)
Ba nghệ sỹ nhận giải thưởng từ Đại sứ quán Đức cho tác phẩm của mình trong lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước diễn ra ngày 6/11. (Ảnh: Đại sứ quán)

Năm 2020, Đức và Việt Nam kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhân dịp này Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã cùng với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) khởi xướng "Cuộc thi trang trí nghệ thuật Gấu Buddy" từ đầu năm nay.

Các nghệ sỹ Việt Nam đã được mời tham gia trang trí nghệ thuật cho Gấu Buddy để thể hiện những ấn tượng, ý tưởng và quan niệm của họ về tình hữu nghị và hợp tác giữa Đức và Việt Nam. Họ đã gửi phác thảo những chú gấu của mình đến Ban tổ chức.

Chung cuộc, phác thảo của các nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh, Nguyễn Xuân Lam và Phùng Văn Tuệ đã chiến thắng cuộc thi và được nhận giải thưởng mỗi người 15 triệu đồng từ Đại sứ Đức Guido Hildner. Trong thời kỳ giãn cách xã hội, để phòng chống COVID-19, ba nghệ sỹ đã thực hiện trang trí nghệ thuật Gấu Buddy tại nhà riêng của mình.

Trưng bày những chú gấu biểu tượng cho mối quan hệ Đức-Việt Nam ảnh 1Nguyễn Xuân Lam trang trí chú Gấu Buddy với những họa tiết gốm sứ. (Ảnh: VICAS)

Nguyễn Xuân Lam (1993) tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, được biết đến với những sáng tác lấy cảm hứng từ di sản văn hóa Việt. Ngoài ra, Xuân Lam cũng tham gia các dự án nghệ thuật của thành phố Hà Nội như Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng (2017) hay Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (2020). Xuân Lam cũng là nghệ sỹ trẻ nhất tham gia dự án "Nghệ thuật đương đại trong hầm nhà Quốc Hội" (2018).

Xuân Lam cho biết ý tưởng chính của anh trong cuộc thi này là tìm cây cầu nối trong nền văn hóa nghệ thuật giữa hai quốc gia. Mặc dù nhìn thoáng qua thì nghệ thuật của Việt Nam và Đức dường như không có mấy điểm chung, tuy nhiên Xuân Lam đã tìm thấy nhiều nét tương đồng giữa hai nền văn hóa qua nghệ thuật gốm sứ.

[Cơ hội thưởng thức những bộ phim đặc sắc của điện ảnh Đức]

"Đồ gốm sứ đã có một lịch sử phát triển lâu đời ở Việt Nam, trong khi đó, đến năm 1701, công ty Meissen của Đức mới sản xuất thành công sản phẩm gốm sứ đầu tiên của riêng mình và Đức cũng trở thành trung tâm gốm sứ tại châu Âu. Cũng từ đó, những sản phẩm gốm sứ mang đậm vẻ đẹp châu Âu dần được biết đến trên toàn thế giới, trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng," Lam cho biết.

"Trong tác phẩm của mình, tôi đã tìm kiếm các tư liệu về gốm sứ cổ của Việt Nam và Đức, sau đó bóc tách, cắt ghép và sắp xếp lại thành một tổng thể vừa mang dáng vẻ cổ kính, bí ẩn của Á Đông, vừa đậm chất hiện đại, sang trọng của phương Tây. Những họa tiết đan cài vào nhau trên chú gấu Buddy như một lời khẳng định về quan hệ bền chặt của hai quốc gia trên cơ sở bình đằng và tôn trọng sự khác biệt," Lam chia sẻ.

Trưng bày những chú gấu biểu tượng cho mối quan hệ Đức-Việt Nam ảnh 2Nghệ sỹ trẻ Chu Thúy Quỳnh bên chú gấu của mình. (Ảnh: VICAS)

Nữ nghệ sỹ Chu Thúy Quỳnh (1991) trang trí chú gấu theo phong cách biểu tượng, nổi bật là những sắc màu trên quốc kỳ của hai nước như đỏ, đen, vàng.

Trong khi đó, nghệ sỹ Phùng Văn Tuệ (1974) lựa chọn phong cách trừu tượng để thể hiện tác phẩm của mình. Trên nền màu nâu trầm ấm là những vệt, chấm màu nổi thể hiện những giai điệu truyền thống và hiện đại trong bản nhạc hòa tấu chào mừng kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt-Đức.

Trưng bày những chú gấu biểu tượng cho mối quan hệ Đức-Việt Nam ảnh 3Nghệ sỹ Phùng Văn Tuệ trang trí Gấu Buddy với trường phái trừu tượng. (Ảnh: VICAS)

Những chú Gấu Buddy ra đời từ một dự án nghệ thuật năm 2001, sau đó trở thành những đại sứ không chính thức của nước Đức. Hai tay chú gấu giơ lên cao thể hiện sự thân thiện và lạc quan.

Năm 2002, các nghệ sỹ từ các nước thành viên Liên hiệp quốc đã tham gia dự án nghệ thuật trưng bày 140 chú Gấu Buddy nhằm thúc đẩy chung sống hòa bình giữa con người từ mọi sắc tộc, nền văn hóa và tôn giáo. Họa sỹ Thanh Dung của Việt Nam cũng tham gia sự kiện này và chú gấu do chị trang trí vẫn đang hiện diện tại Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Từ ngày 16/11, ba chú Gấu Buddy được trưng bày tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studios), 32 Hào Nam, Hà Nội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục