Trong bối cảnh những tranh chấp khá ồn ào giữa Trung Quốc và Canada liên quan hạt cải dầu vẫn chưa có hồi kết, Bắc Kinh được cho là đang “lặng lẽ” mua các nông sản khác của Canada.
Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn thông báo của Ủy ban Ngũ cốc Canada cho biết nước này đã xuất sang Trung Quốc 1,9 triệu tấn lúa mỳ trong vụ mùa kết thúc vào tháng Sáu vừa qua, tăng tới 92% so với vụ trước.
[Gần 900 thực phẩm của Trung Quốc bị Canada "thổi còi" hai năm qua]
Các sản phẩm canola (hạt cải dầu) dưới dạng dầu và bột vẫn tiếp tục đổ đến các cảng của Trung Quốc song có giảm nhẹ, trong đó hạt cải dầu giảm (22%).
Trung Quốc tăng nhập khẩu lúa mỳ của Canada khi nguồn cung từ Australia bị giảm sút do hạn hán và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có xu hướng leo thang.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành lúa mỳ của Canada không quá hào hứng trước thống kê cho thấy hoạt động nhập khẩu lúa mỳ từ Trung Quốc gia tăng.
Ông Cam Dahl, Chủ tịch Cereals Canada (một tổ chức phi lợi nhuận, quy tụ các đối tác trong ngành ngũ cốc Canada), nhận định Trung Quốc là thị trường vô cùng bấp bênh vì theo ông cho dù khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, nhưng đó là các hợp đồng ngắn hạn.
Trước đó, tháng 3/2019, Bắc Kinh đã thu hồi giấy phép xuất khẩu hạt cải dầu của Richardson International và Viterra sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo đã phát hiện sâu bọ trong hạt cải dầu nhập từ Canada.
Chủ tịch Hội đồng Cải dầu Canada, Jim Everson, cho biết đối với hạt cải dầu của Canada, thị trường Trung Quốc lớn hơn ba thị trường Mỹ, Mexico và Nhật Bản cộng lại. Mỗi năm, Trung Quốc mua khoảng 2,5 tỷ CAD (1,88 tỷ USD) hạt cải dầu của Canada.
Hạt cải dầu không phải “nạn nhân” duy nhất trong cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Bắc Kinh và Ottawa.
Trung Quốc hồi tháng 6/2019 đã đề nghị Chính phủ Canada dừng cấp phép xuất khẩu thịt của Canada sang Trung Quốc, sau khi phát hiện giấy chứng nhận y tế thú y bị làm giả.
Nhiều nhà quan sát cho rằng những động thái này của Bắc Kinh nằm trong “cuộc chiến" ngoại giao giữa hai nước, vốn được kích hoạt sau khi Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính của Huawei theo yêu cầu của Mỹ.
Bắc Kinh đã trả đũa bằng việc bắt giữ và điều tra hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc"./.