Trung Quốc cấm thịt lợn từ Ba Lan vì lo ngại dịch ASF

Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan sau khi Warsaw xác nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus gây bệnh sốt lợn châu Phi (ASF).

Phát ngôn viên của Bộ Nông nghiệp Ba Lan Malgorzata Ksiazyk ngày 27/2 cho hay Trung Quốc đã thông báo với Ủy ban châu Âu (EC) về việc nước này ban bố lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan sau khi Warsaw xác nhận hai trường hợp đầu tiên nhiễm virus gây bệnh sốt lợn châu Phi (ASF).

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ khi nào.

Tuần trước, các bác sỹ thú y Ba Lan xác nhận ASF chưa xuất hiện trên đàn lợn nuôi của nước này mà chỉ xuất hiện ở lợn lòi hoang dã. Xác lợn chết được phát hiện gần ngôi làng Szudzialowo, chỉ cách biên giới Ba Lan với Belarus chưa đầy 1km.

Ngày 29/1, Nga cũng ban bố lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) do trước đó Litva đã thông báo hai trường hợp nhiễm ASF ở lợn lòi hoang.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khuyến cáo siết chặt hơn nữa công tác quản lý gia súc nói chung và đàn lợn nói riêng tại Trung Quốc, nơi chiếm đến 1/2 số lợn nuôi trên toàn thế giới và cũng là quốc gia nhập khẩu lớn nhất nguồn thịt lợn của Ba Lan.

Năm 2007, ASF, vốn xuất hiện đầu tiên ở châu Phi, đã lây lan tới các đàn lợn ở khắp khu vực Balka, Kavkazvà Nga.

Ba Lan đang thực hiện một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn dịch ASF lây lan trên lãnh thổ của quốc gia xuất khẩu thịt lợn hàng đầu trong Liên minh châu Âu (EU) này.

Một vùng đệm đã được dựng lên dọc biên giới phía Đông của Ba Lan với Belarus, Litva, như một phần trong những nỗ lực của Warsaw nhằm ngăn chặn sự lây lan của ASF.

Ngoài ra, nhà chức trách nước này cũng yêu cầu nông dân dựng hàng rào quanh khu vực trang trại, khử trùng chuồng trại, vệ sinh cho gia súc và giám sát việc vận chuyển lợn sống ra bên ngoài trang trại.

Sốt lợn châu Phi là bệnh lây nhiễm qua virus của lợn nuôi và lợn hoang. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, gây tử vong cao, có khi tới 100% số lợn bệnh, nên gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi.

Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa lợn bệnh và lợn khỏe mạnh thông qua các sản phẩm thịt lợn, bọ ve và máy móc (xe cộ, khi di chuyển người và động vật).

Hiện chưa có vắcxin hoặc thuốc điều trị bệnh ASF./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục