Trung Quốc cân nhắc cử lãnh đạo nào tới Mỹ đàm phán thương mại?

Trung Quốc có thể cử Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn tới Mỹ đàm phán

Giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang cân nhắc việc cử các quan chức hàng đầu của nước này tới Washington để đàm phán thương mại.
Trung Quốc có thể cử Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn tới Mỹ đàm phán ảnh 1Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo South China Morning Post, giới quan sát nhận định, Trung Quốc đang cân nhắc việc cử các quan chức hàng đầu của nước này tới Washington để đàm phán thương mại, trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực tìm ra điểm chung với chính quyền cứng rắn của Mỹ.

Theo giới quan sát, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến sớm tới Washington để tham gia vòng đàm phán thương mại thứ hai, và sau đó có thể là Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn, được biết tới là người có kỹ năng “chữa cháy,” trong khoảng thời gian cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới.

[Mỹ-Trung Quốc nỗ lực tìm cách giải quyết các tranh cãi thương mại]

Một nguồn thạo tin cho hay, trong khi ông Lưu Hạc phụ trách đàm phán với Mỹ về các vấn đề thương mại cụ thể, thì ông Vương Kỳ Sơn có thể tìm kiếm đối thoại cấp chiến lược trong nhiều vấn đề khác nhau.

Ông Arthur Kroeber, một nhà nghiên cứu cao cấp của hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics và là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc lâu năm cho rằng, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đang ngày càng gia tăng.

Ông nói: “Một số thỏa thuận về thuế quan hay hạn chế thâm hụt có thể đạt được song các vấn đề cơ bản liên quan công nghệ và chiến lược thì sẽ không biến mất.”

Theo chuyên gia này, tham vọng của Trung Quốc trở thành một siêu cường công nghệ thông qua các chương trình như chiến lược “Made in China 2025” nhằm ủng hộ ngành công nghệ cao trong nước và Sáng kiến Vành đai và Con đường được xem là “một thách thức trực tiếp đối với sự lãnh đạo của Mỹ về mặt địa chính trị và địa kinh tế.”

Ông Kroeber nhận định: “Trung Quốc đang cố gắng xác định chiến lược nào sẽ là đúng đắn, bởi rất khó để đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Vấn đề mà Trung Quốc đau đầu là: bạn có thể tin tưởng Mỹ sẽ tuân thủ mọi thỏa thuận mà bạn ký với họ hay không?”

Trong khi đó, giáo sư Thời Ân Hoằng nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân (Trung Quốc) và là một cố vấn chính phủ, cho rằng Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn có các đồng minh tại Mỹ, tuy nhiên nhiệm vụ của ông ấy sẽ khó khăn bởi nhiều người trong số họ không được chính quyền tổng thống Trump ưa thích.

Giáo sư Thời nhận xét: “Bất kể ai tham gia đàm phán, sẽ không đạt được bất kỳ đột phá đáng kể nào, chỉ đạt được một sự thỏa hiệp nhỏ để thu hẹp bớt quy mô đối đầu mà thôi.”

Còn chuyên gia Lưu Hướng nghiên cứu các vấn đề Mỹ với Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho hay, Bắc Kinh cần sẵn sàng cho một kịch bản tồi tệ nhất trong vấn đề bất đồng thương mại với Mỹ, có thể dẫn tới việc GDP sụt giảm xuống dưới 6%, và hàng chục triệu việc làm sẽ mất đi.

Ngoài ra theo chuyên gia này, Trung Quốc còn có thể chịu sức ép từ các nước khác, trong đó có các nước châu Âu nhiều khả năng sẽ hợp tác với Mỹ để gây sức ép lên Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục