Theo tin từ Thời báo Hoàn Cầu, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã triển khai tàu sân bay Liêu Ninh trong hoạt động sơ tuyển lứa phi công máy bay chiến đấu đầu tiên, những người được tuyển chọn trực tiếp từ các trường trung học và được huấn luyện đặc biệt để lái máy bay cất cánh từ tàu sân bay.
Thời báo Hoàn Cầu, ấn bản của Nhân dân Nhật báo, dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng phương thức đào tạo phi công mới, cùng với chương trình chuyển đổi trước đây - chương trình cho phép các phi công lái máy bay truyền thống chuyển sang máy bay trên tàu sân bay - có thể đào tạo hiệu quả thế hệ phi công mới đáp ứng các đòi hỏi về kỹ thuật vận hành trên tàu sân bay cũng như nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc về các hạm đội tàu sân bay.
Theo một thông báo trên tài khoản WeChat công khai của Hải quân PLA ngày 6/11, đầu tháng 11 này, tàu sân bay Liêu Ninh đã di chuyển đến Vịnh Bột Hải và tham gia các kỳ thi cấp chứng chỉ của Đại học Hàng không Hải quân PLA cho một loạt phi công máy bay chiến đấu mới trên tàu sân bay.
[Trung Quốc đang cạn tiền để thực hiện giấc mộng siêu cường]
Thông báo cho biết những máy bay chiến đấu J-15 do các phi công điều khiển đã hạ cánh thành công xuống tàu sân bay Liêu Ninh trong các đợt kiểm tra.
Thông báo cũng nêu rõ, với độ tuổi trung bình là 20, các phi công trúng tuyển mới thuộc lứa học viên phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên được tuyển chọn trực tiếp từ các trường trung học và nhập học tại trường Đại học Hàng không Hải quân PLA, đồng thời ca ngợi phương thức đào tạo phi công mới, được gọi là "phương thức bồi dưỡng," đã thành công.
Hải quân PLA cho biết "phương thức bồi dưỡng" và "phương thức chuyển đổi" đào tạo phi công máy bay truyền thống để lái máy bay trên tàu sân bay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng năng lực tác chiến của các tàu sân bay Trung Quốc.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt, làm việc tại Bắc Kinh, chia sẻ với phóng viên tờ Thời báo Hoàn Cầu ngày 6/11 rằng các phi công được đào tạo thông qua "phương thức bồi dưỡng" trẻ hơn, nhanh nhẹn hơn và có nền tảng giáo dục vững chắc, đồng nghĩa với việc họ có thể nhanh chóng thành thạo việc vận hành một chiếc máy bay hoạt động trên tàu sân bay.
Theo chuyên gia này, "phương thức chuyển đổi" rất quan trọng trong giai đoạn đầu khi Trung Quốc không có đủ phi công được đào tạo theo "phương thức bồi dưỡng" để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt.
Tuy nhiên, những kinh nghiệm mà các phi công lái máy bay truyền thống tích lũy được từ quá trình hoạt động trước đó lại có thể không thực sự hữu ích, vì sự "quen tay" cũng có thể cản trở việc vận hành các máy bay hoạt động từ tàu sân bay.
Theo tuyên bố của Hải quân PLA, tàu sân bay Liêu Ninh đã lập bốn kỷ lục mới trong chương trình đào tạo phi công máy bay chiến đấu, đó là số lượng lớn nhất các phi công đủ tiêu chuẩn để vận hành máy bay chiến đấu trên một tàu sân bay trong một cuộc thử nghiệm, độ tuổi trung bình trẻ nhất, thời gian huấn luyện bay thấp nhất và ngắn nhất.
PLA khẳng định chương trình đào tạo phi công máy bay chiến đấu trên tàu sân bay của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, và ngoài các chương trình đào tạo này, Trung Quốc cũng đang chú trọng đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực vận hành máy bay đặc nhiệm, trực thăng, máy bay hậu cần chiến đấu và máy bay không người lái.
Trung Quốc hiện vận hành 2 tàu sân bay, Liêu Ninh và Sơn Đông, sau khi tàu Sơn Đông gia nhập lực lượng hải quân PLA vào tháng 12/2019.
Theo thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc, hai tàu sân bay này đã hoàn thành các cuộc tập trận thường kỳ và thử nghiệm trên biển hồi tháng Chín vừa qua.
Trung Quốc được cho là đang đóng tàu sân bay thứ ba tại Thượng Hải. Các nhà phân tích dự đoán rằng tàu sân bay này sẽ lớn hơn 2 tàu sân bay đang vận hành để có khả năng mang theo nhiều máy bay chiến đấu hơn, đồng thời nhấn mạnh PLA cần nhanh chóng đẩy mạnh chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các tàu sân bay mới./.