Trung Quốc hoãn cải tổ cơ cấu nền kinh tế do dịch bệnh

Trung Quốc chính thức bắt đầu bắt tay vào xử lý ảnh hưởng tài chính của cuộc khủng hoảng COVID-19, theo một công thức đã được chứng nhận có hiệu quả.
Trung Quốc hoãn cải tổ cơ cấu nền kinh tế do dịch bệnh ảnh 1Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Du Bắc, tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bài viết trên báo Pháp Le Monde số ra ngày 26/3, Giám đốc công ty tư vấn kinh tế DCA Chine-Analyse, đồng thời là một chuyên gia về Trung Quốc, cho biết Trung Quốc mới thành lập một thiết chế mới để giải quyết vấn đề nợ xấu do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo thông báo của các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc, một chi nhánh của tập đoàn Citic - doanh nghiệp do Bộ Tài chính kiểm soát - sẽ được chuyển thành cơ cấu mới mua bán nợ, chịu trách nhiệm mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc.

Trung Quốc chính thức bắt đầu bắt tay vào xử lý ảnh hưởng tài chính của cuộc khủng hoảng COVID-19, theo một công thức đã được chứng nhận có hiệu quả.

Tuy vậy, bước đi này sẽ khiến cho Trung Quốc ngày càng rời xa khả năng tiến hành một cuộc cải tổ cơ cấu “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.”

[PBoC: Tác động của COVID-19 với kinh tế Trung Quốc có thể kiểm soát]

Trong lúc nền kinh tế từng bước tái khởi động, Chính phủ sẽ phải giải quyết hậu quả của gần hai tháng toàn bộ các hoạt động bị ngưng trệ. Dự báo sẽ có nhiều vụ phá sản không tránh khỏi, mục tiêu đặt ra là tránh để xảy ra những vụ việc đủ lớn để có thể gây ra một tác động có tính chất hệ thống, kích động phản ứng dây chuyền.

Việc Chính phủ xử lý trường hợp HNA Group, tập đoàn khổng lồ chuyên hoạt động trong lĩnh vực vận tải hàng không và tâm điểm của một chương trình tái cơ cấu đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, là ví dụ đầu tiên.

Trong kế hoạch này, ngân hàng đóng vai trò trung tâm. Chỉ có cách tái cấp vốn và giãn nợ mới có thể tránh cho các tác nhân kinh tế quá lớn khỏi rơi vào cảnh sụp đổ.

Các ngân hàng rất cần có sự giúp đỡ của Chính phủ mới có khả năng tiếp tục hoạt động, do khối lượng nợ xấu họ nắm giữ sẽ bùng nổ.

Trung Quốc hoãn cải tổ cơ cấu nền kinh tế do dịch bệnh ảnh 2Nông dân làm việc tại một nhà kính trồng nấm ở thành phố Định Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thông báo thiết lập cơ cấu giải quyết nợ xấu tầm quốc gia đã được đưa ra trong bối cảnh đó, lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính châu Á. Thiết chế này có trách nhiệm “dọn dẹp” bảng cân đối kế toán của các ngân hàng lớn, dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính.

Sự ra đời của thiết chế mới này không phải là biện pháp cấp bách, nhưng có tính chất cơ cấu. Công ty quản lý tài sản Jiantou Citic AMC, chi nhánh của Citic đang được đề cập đến, có sáu tháng để chuẩn bị cho vai trò mới, đồng thời đổi tên thành China Galaxy AMC.

Công ty sẽ tham gia một lực lương đã có mặt trên thị trường từ trước, gồm bốn thực thể khác cùng chức năng là China GreatWall AMC, China Orient AMC, Cinda AMC và Huarong AMC - đều thành lập vào năm 1999 sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc phải ngăn chặn gấp tình trạng bảng cân đối tài sản của các ngân hàng lớn bị xấu đi nhanh chóng.

Bốn công ty mua bán nợ đầu tiên đã “làm sạch” tài sản bằng cách mua lại phần lớn nợ khó đòi, trong đó có khoảng 170 tỷ USD nợ khó có khả năng thanh toán của bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, một khoản tiền tương đương với 15% GDP Trung Quốc lúc đó.

Từ năm 2014, các công ty quản lý tài sản lớn trên thực tế đã trở thành công cụ để quản lý hệ thống tài chính Trung Quốc. Các công ty này đã tăng quy mô lên nhiều lần để giải quyết hậu quả của kế hoạch kích thích kinh tế năm 2018, ngăn chặn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hậu quả là nhiều doanh nghiệp lớn bị rơi vào tình trạng nợ nần quá mức.

Chính quyền địa phương cũng được phép, thậm chí được khuyến khích lập ra các thiết chế xử lý nợ. Tuy nhiên, từ sáu năm nay, các công ty mới thành lập như vậy chỉ có quy mô khu vực.

Công ty mới, Galaxy vẫn là chi nhánh của Citic nhưng có 70% cổ phần thuộc về Central Huijin, một nhánh chuyên hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng của Tập đoàn xây dựng Trung Quốc (CIC) do Bộ Tài chính nắm giữ 100% cổ phần.

Công ty này có quy mô toàn quốc và tầm vóc hoàn toàn khác. Galaxy sẽ chịu sự quản lý và điều hành của Bộ tài chính Trung Quốc - đều là cổ đông chi phối của Citic và Central Huijin - và một trụ cột khác trong lĩnh vực tài chính là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương).

Galaxy sẽ chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ xấu mà các ngân hàng lớn ở Trung Quốc đã tích lũy sau hai tháng khủng hoảng dịch bệnh vừa qua.

Cùng với việc thành lập Galaxy, Chính phủ Trung Quốc cũng điều Zhu Hexin, Phó Thống đốc PBoC về làm Bí thư Đảng ủy của doanh nghiệp. Từng là Phó Tỉnh trưởng Tứ Xuyên trong giai đoạn 2016-2018, Zhu Hexin trước đó là một trong 15 nhân vật chủ chốt trong lĩnh vực ngân hàng được luân chuyển về các chính quyền địa phương trong giai đoạn 2016-2020 để kiểm soát tình hình tài chính.

Nhiệm vụ mới của ông Zhu Hexin lần này có tính chất khác. Ông sẽ giám sát một công cụ mới thực hiện công thức cũ đối phó với một cuộc khủng hoảng mới. Công thức này, mặc dù không giải quyết tận gốc tình trạng đầu tư vốn không hiệu quả tại Trung Quốc, nhưng giúp ngăn chặn được nguy cơ bùng nổ xã hội do một vụ sụp đổ ngân hàng lớn gây ra.

Hậu quả khó tránh khỏi của khủng hoảng y tế sẽ là Trung Quốc xa rời kế hoạch cải tổ cơ cấu nền kinh tế. Vai trò của Galaxy là tránh cho ngân hàng vỡ nợ, còn ngân hàng thì tránh để cho các “ông lớn” phi tài chính sụp đổ.

Dịch bệnh COVID-19 sẽ tạo ra thêm một vấn đề lớn mà Trung Quốc cần giải quyết để hướng tới một mô hình kinh tế hiệu quả hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục