Trung Quốc: PMI giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nguy cơ kinh tế giảm tốc

Các nhà phân tích tại Citi Group nhận định sự suy giảm trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu của sự giảm tốc, khi “động lực công nghiệp” có thể “có dấu hiệu chạm đáy.”
Trung Quốc: PMI giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nguy cơ kinh tế giảm tốc ảnh 1Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp ôtô tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã sụt giảm trong tháng thứ tư liên tiếp trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và các lĩnh vực khác chậm lại, làm gia tăng lời kêu gọi Bắc Kinh công bố các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Dữ liệu được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31/7 cho thấy Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của nước này chỉ đạt 49,3 điểm trong tháng 7, cao hơn một chút so với dự báo của các nhà phân tích là 49,2 điểm và cao hơn mức 49 điểm ghi nhận trong tháng 6 nhưng vẫn nằm trong vùng thu hẹp (dưới 50 điểm).

Chỉ số PMI phi sản xuất, bao gồm các lĩnh vực như xây dựng và nông nghiệp, đã giảm xuống 51,5 từ mức 53,2 của tháng trước, thấp hơn so với dự báo 53 của Ngân hàng Goldman Sachs.

Chỉ số dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp, trong khi chỉ số trên 50 báo hiệu sự mở rộng.

Ông Robert Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Hà Lan ING cho biết: “Dữ liệu tháng 7 cung cấp một chút khuyến khích rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển hướng”.

Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của nước này, một ngành tạo công ăn việc làm quan trọng, đã suy yếu trong khi chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại, xuất khẩu sụt giảm và khủng hoảng thanh khoản trong lĩnh vực bất động sản đã cản trở sự tăng trưởng.

Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% trong quý 2 so với ba tháng trước đó, thấp hơn nhiều so với dự báo.

Trung Quốc: PMI giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nguy cơ kinh tế giảm tốc ảnh 2Cảng hàng hóa ở Khu phát triển kinh tế Yangpu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tuần trước đã công bố các biện pháp nhằm cố gắng thúc đẩy tăng trưởng.

Nhưng các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh có thể sẽ không tung ra các gói kích thích tài chính rộng lớn hơn vì mức nợ cao, đặc biệt là với các chính quyền địa phương.

Erin Xin, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại HSBC, cho biết các số liệu PMI cho thấy “vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể nào trong hoạt động phục hồi đang yếu đi”.

Theo chuyên gia này, điều này đặt thêm trách nhiệm cho các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhanh chóng để cung cấp hỗ trợ chính sách cần thiết.

Cơ quan hoạch định nhà nước Trung Quốc hôm 31/7 đã công bố gói tiêu thụ nhắm khuyến khích mua sắm ôtô và phát triển khu vực nông thôn, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương) cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,6% vào thứ Hai, trong khi chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,3%, nhờ các cổ phiếu công nghệ và bất động sản tăng mạnh do kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tăng cường nỗ lực kích thích nền kinh tế.

[Các ngân hàng Trung Quốc đồng loạt bán đồng USD để hỗ trợ đồng nội tệ]

Xin nói thêm rằng việc chỉ số việc làm giảm có thể chỉ ra rằng các điều kiện kinh tế sẽ “tiếp tục đè nặng lên việc làm và tiêu dùng, có thể làm trì hoãn quá trình phục hồi hoàn toàn.”

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng vọt lên mức kỷ lục 21,3% trong tháng 6.

Hong Kong cũng ghi nhận mức tăng trưởng quý hai chỉ là 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 2,9% trong ba tháng đầu năm.

Hoạt động phi sản xuất chậm lại trong tháng 7, điểm sáng hiếm hoi trước đây, đã đẩy thước đo tiến gần hơn đến mức thu hẹp, với hầu hết các chỉ số phụ ngoài kỳ vọng kinh doanh đã ở gần hoặc dưới ngưỡng 50 điểm.

Trung Quốc: PMI giảm tháng thứ 4 liên tiếp, nguy cơ kinh tế giảm tốc ảnh 3Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại Citi Group lập luận rằng sự suy giảm trong hoạt động sản xuất đang cho thấy dấu hiệu của sự giảm tốc, khi “động lực công nghiệp” có thể “có dấu hiệu chạm đáy.”

Yifan Hu, Giám đốc đầu tư khu vực và Trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại UBS Global Wealth Management, cho biết các chỉ thị của Bộ Chính trị Trung Quốc và các biện pháp kích thích khác sẽ có hiệu lực trong nửa cuối năm, dự đoán lãi suất sẽ giảm nhiều hơn và cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng để bơm thanh khoản vào hệ thống.

Ông nói thêm: “Chính sách tài khóa sẽ chủ động hơn thông qua các biện pháp hỗ trợ cơ sở hạ tầng mạnh mẽ hơn và cắt giảm thuế, phí có mục tiêu.”

Dữ liệu riêng từ nhóm nghiên cứu China Beige Book, công bố các chỉ số kinh tế thay thế, cho thấy hoạt động sản xuất đã tăng trong tháng 7, nhưng doanh số bán lẻ giảm rõ rệt so với tháng trước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục