Trung Quốc ủng hộ vai trò lớn hơn của nhóm G-20

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh nước này ủng hộ Nhóm G-20 đóng vai trò lớn hơn trong điều hành kinh tế toàn cầu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh Trung Quốc ủng hộ Nhóm G-20 đóng vai trò lớn hơn trong việc điều hành kinh tế toàn cầu.

Phát biểu ngày 31/3 trong cuộc họp báo nhân Hội nghị G-20 về cải cách tiền tệ toàn cầu được tổ chức ở Nam King, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nêu rõ Trung Quốc ủng hộ Pháp chủ trì Hội nghị cấp cao G-20 tại Cannes, Pháp, vào cuối năm nay. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Pháp để chuẩn bị tốt cho hội nghị này.

Trước đó, trong các phát biểu tại hội nghị ở Nam King, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã đề nghị thiết lập một hệ thống tỷ giá linh hoạt hơn và mở rộng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đồng thời giữ bình ổn đồng USU và euro.

Ông Sarkozy nói: "Chúng ta phải tiến tới có một hệ thống tỷ giá linh hoạt hơn, song hệ thống này không thể tiến triển nếu không có các quy định, sự phối hợp và giám sát."

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi G-20 đưa ra thời gian biểu cho việc mở rộng SDR, hiện chỉ bao gồm đồng USD, euro, yen Nhật và bảng Anh.

Theo ông Sarkozy, đã đến lúc mở rộng SDR với sự tham gia của đồng tiền các nước mới nổi như Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện chưa muốn đồng NDT của nước này tham gia SDR.

Quyền rút vốn đặc biệt SDR do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lập ra năm 1969 theo đề nghị của 10 nước trong Câu lạc bộ Paris, có vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. Khi thương mại và tài chính quốc tế phát triển, nguồn dự trữ chủ yếu bằng vàng và USD của các quốc gia không đủ để đáp ứng.

SDR - đơn vị tiền tệ quy ước này nhằm cung cấp cho các nước thành viên một nguồn lực tài chính bổ sung để có thể duy trì tỷ giá hối đoái đồng nội tệ, giảm thiểu những hạn chế trong việc sử dụng đồng USD và vàng như một công cụ thanh toán quốc tế duy nhất, nhờ đó hoạt động thanh toán quốc tế được thông suốt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục