Trung Quốc và Chile tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Chủ tịch Tập Cập Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng Chile tăng cường giao lưu hữu nghị các cấp, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế công cộng.
Trung Quốc và Chile tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ảnh 1Tổng thống Chile Gabriel Boric gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC. (Nguồn: Forbes)

Ngày 18/11, Bộ Ngoại giao Chile cho biết Tổng thống nước này Gabriel Boric đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tại Bangkok (Thái Lan), trong đó hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Theo bộ trên, tại cuộc gặp, Tổng thống Boric nhấn mạnh phía Chile hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư và hợp tác tại quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời ủng hộ nỗ lực gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) của Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Boric khẳng định Chính phủ Chile sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm điều hành đất nước của Trung Quốc, cùng với đó chủ trương tăng cường hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, và kinh tế số.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cập Bình cho biết Trung Quốc sẵn sàng cùng Chile tăng cường giao lưu hữu nghị các cấp và đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm quản lý đất nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, nông nghiệp, y tế công cộng, và năng lượng sạch.

[APEC 2022: Trung Quốc hy vọng cùng Mỹ thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau]

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chủ chốt của Chile. Hai nước đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) vào năm 2005.

Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 41 tỷ USD, tăng gấp 6 lần so với năm 2005.

Kim loại đồng là sản phẩm xuất khẩu chính của Chile sang Trung Quốc, trong khi quốc gia Nam Mỹ này chủ yếu nhập khẩu điện thoại di động, công nghệ và ôtô từ "gã khổng lồ châu Á"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục