Trung Quốc và Mỹ liệu có "xuống thang" trong cuộc chiến thương mại?

Trump cần tìm kiếm những nhượng bộ từ Bắc Kinh, nhưng không phải sự đầu hàng hoàn toàn. Như chính Trump từng nói về cách thức để thành công trong đàm phán: “Bạn không thể quá tham lam".

Đòn trừng phạt áp thuế thương mại tiếp theo của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD có thể diễn ra vào tuần này sau khi các cuộc đàm phán nhằm xoay chuyển tình hình đã kết thúc mà không đạt được giải pháp nào.

Trung Quốc dự định sẽ đáp trả ngay tức thì với các đòn thuế quan đánh vào gần như mọi mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ngay cả khi đạt được một thỏa thuận ban đầu với Mexico nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đây chưa phải thời điểm để tái khởi động đàm phán với Trung Quốc.

Trong khi đó, những nhân vật cứng rắn trong chính quyền Trump lại tin rằng nền kinh tế của gã khồng lồ châu Á này dễ bị tổn thương hơn là nhìn bề ngoài, giúp tăng lợi thế cho Washington. Về phần mình, các nhà đàm phán Trung Quốc dường như muốn chờ cho đến sau khi kỳ bầu cử Quốc hội giữa kỳ của Mỹ kết thúc trước khi thúc đẩy bất kỳ vòng đàm phán mới nào.

Trang mạng bloomberg.com ngày 31/8 cho rằng hai bên cần “xuống thang” khi thời gian vẫn cho phép vì kéo dài xung đột sẽ chẳng giúp gì cho mỗi bên.

Thái độ điềm tĩnh rõ ràng của Trung Quốc cho thấy nước này vẫn muốn tìm kiếm một lối thoát cho cuộc xung đột này. Các nhà giao dịch đề nghị Trung Quốc mua thêm nhiều hàng hóa của Mỹ nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại và để ngăn chặn đồng Nhân dân tệ mất giá. Tuy nhiên, những động thái này sẽ không giúp giải quyết vấn đề chính: đó là Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhất là trong việc nước này tìm cách phát triển ngành công nghệ cao thông qua các biện pháp trợ cấp lớn và thông qua việc ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ.

Trung Quốc không ngừng biện minh rằng một quốc gia đang phát triển cần được tạo cơ hội để hỗ trợ các ngành công nghiệp non trẻ, ngay cả khi nước này né tránh sức ép để mở cửa thị trường công nghệ điện toán đám mây và các công nghệ khác với lý do an ninh quốc gia. Và giờ thì thế giới vốn giận giữ trước chính sách thương mại của Trump dường như đã thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc rằng họ cần có quan điểm toàn cầu (trong xử lý tranh chấp thương mại với Mỹ).

Những quan ngại của Mỹ về những rào cản thương mại của Trung Quốc, sự phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài và nỗ lực có được công nghệ bằng bất kỳ cách nào dựa trên những căn cứ xác thực và cả thế giới đều biết. Khi phớt lờ hoặc hạ thấp những quan ngại này, hoặc chỉ đưa ra biện pháp “nửa vời” để giải quyết chúng, Trung Quốc đã đánh mất sự tín nhiệm của mình trên trường quốc tế.

Ngoài ra, sự do dự cải cách của Bắc Kinh cũng đi ngược lại các lợi ích dài hạn của nước này. Trung Quốc đã từng rơi vào tình thế hết sức khó khăn khi nền kinh tế có nguy cơ đình đốn trước khi có thể phá vỡ “vòng kim cô” của vị thế nước có thu nhập trung bình, khi đó, chính hệ thống thương mại đa phương đã giúp nước này đạt được tốc độ tăng trưởng và mở rộng kinh tế thần kỳ như đã thấy trong vòng 40 năm qua. Trong khi đó, chính sách trợ cấp và những rào cản thị trường giúp hỗ trợ chương trình “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” lại có thể làm gia tăng gian lận, không hiệu quả và lãng phí khi chúng có mục đích kiến tạo sự đổi mới. Trung Quốc có thể thúc đẩy tính cạnh tranh lớn hơn và thu hút đầu tư nhiều hơn bằng cách tạo ra một sân chơi công bằng.

Về phần mình, chính quyền Trump có thể đạt được mong muốn về cải thiện thực tiễn thương mại hiện nay bằng cách tạo điều kiện để Trung Quốc thay đổi chính sách. Giới chức Trung Quốc hiện bối rối không rõ ai là phát ngôn viên cho quan điểm của Nhà Trắng trong các cuộc đàm phán thương mại.

Chiến thuật “lá phải, lá trái,” vốn giúp cân bằng giọng điệu hòa giải hơn của Bộ Tài chính Mỹ đối với những nhân vật cứng rắn thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, đã không phát huy tác dụng cho dù trước đây có thể đã tạo ra giá trị nào đó trong quá trình thương lượng. Nếu Washington muốn thu được lợi ích từ những cải cách của Trung Quốc thì nước này cần phải đưa ra những yêu cầu cụ thể, có trọng điểm, nhất quán và phù hợp, kèm theo đó là các cơ chế thực thi mạnh mẽ.

Sẽ là dại dột nếu Mỹ kéo dài những tranh cãi nhằm gây tổn hại nền kinh tế Mỹ. Hãy khoan không đề cập đến thực tế là bất kỳ sự suy giảm nào của Trung Quốc sẽ làm tổn hại tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo theo cả tác động đến nền kinh tế Mỹ.

Nếu Washington đẩy Chủ tịch Tập Cận Bình vào chân tường thì lợi thế của Mỹ khi ấy sẽ chỉ thu nhỏ. Bởi, ông Tập, vốn thề sẽ khôi phục vị thế của Trung Quốc trở thành trung tâm của nền kinh tế toàn cầu, sẽ không chấp nhận thua cuộc trước Trump. Đến một lúc nào đó, thỏa hiệp đối với ông Tập sẽ là điều không thể, cho dù điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Trump cần tìm kiếm những nhượng bộ từ Bắc Kinh, nhưng không phải sự đầu hàng hoàn toàn. Như chính Trump từng nói về cách thức để thành công trong đàm phán bất kỳ thỏa thuận nào: “Bạn không thể quá tham lam”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục