Trung Quốc và nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân mới

Trung Quốc khởi động chương trình vũ khí hạt nhân khoảng năm 1955, với sự trợ giúp đáng kể của Liên Xô nhằm học hỏi chuyên môn kỹ thuật và vận hành.
Trung Quốc và nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân mới ảnh 1(Nguồn: Getty)

Trang mạng orfonline.org đưa tin, Trung Quốc khởi động chương trình vũ khí hạt nhân khoảng năm 1955, với sự trợ giúp đáng kể của Liên Xô nhằm học hỏi chuyên môn kỹ thuật và vận hành.

Trung Quốc lần đầu thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân vào tháng 10/1964 và đã trở thành một mắt xích quan trọng trong trật tự hạt nhân thế giới.

Ước tính hiện nay Trung Quốc có khoảng 320 đầu đạn hạt nhân và đang triển khai rộng rãi quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân quốc gia như một phần nỗ lực hiện đại hóa toàn diện quân đội.

Chiến lược hiện đại hóa quân đội và hạt nhân của Trung Quốc đã làm dấy lên lo ngại giữa các bên tham gia chế độ hiện hành về không phổ biến vũ khí hạt nhân và đặc biệt hứng chỉ trích từ Mỹ về tính chất leo thang tiềm tàng.

Nhìn chung, có nhiều quan ngại rằng kế hoạch hiện đại hóa và sự thiếu minh bạch trong ý định của Bắc Kinh sẽ làm dấy lên lo ngại đáng kể.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí cũng như năng lực hạt nhân của Trung Quốc không phải dấu hiệu tích cực cho chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân, có khả năng gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân gay gắt hơn trong tương lai. 

Trong những năm qua, Trung Quốc đã xuất bản một số “sách trắng” về chiến lược và hạ tầng quốc phòng-quân sự quốc gia. Tuy nhiên, những ấn phẩm này cung cấp rất ít thông tin chi tiết về hoạt động của hệ thống quốc phòng.

Ấn bản mới nhất của cuốn “Sách trắng Quốc phòng” công bố năm 2019 là tài liệu mở rộng nhất cung cấp thông tin về kế hoạch hiện đại hóa của Bắc Kinh, đây là điểm khác biệt mà những ấn bản trước đó đều không có.

Tài liệu này củng cố cam kết của Trung Quốc với chính sách “không sử dụng trước” (NFU), đồng thời khẳng định Trung Quốc không tham gia “chạy đua vũ trang hạt nhân với bất kỳ quốc gia nào và duy trì năng lực hạt nhân của mình ở mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia.” 

[Trung Quốc lặng lẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân]

Tuy nhiên, phản ứng của quốc tế, đặc biệt là Mỹ, đối với tài liệu này cho thấy sự e ngại và mối lo nghiêm trọng về cam kết của Trung Quốc thực thi NFU và tránh tham gia mọi cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân.

Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Trung Quốc phải tham gia mọi thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân trong tương lai với Nga và Mỹ.

Mới đây, Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán với Nga về tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới. 

Sách trắng năm 2019 cũng đề cập ý định tăng cường khả năng răn đe và phản công hạt nhân (thông qua một lực lượng tên lửa hiện đại và mạnh mẽ hơn) của Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLARF).

Trung Quốc khẳng định mục đích của các kế hoạch hiện đại hóa không phải là thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với các thành phần chủ chốt trong trật tự hạt nhân thế giới. Tuy nhiên, trọng tâm sâu rộng nhằm vào năng lực hiện đại hóa trong sách trắng không thể xoa dịu lo ngại về chế độ không phổ biến hạt nhân. 

Báo cáo Đánh giá Quan điểm Hạt nhân (NPR) năm 2018 của Mỹ cung cấp quan điểm của Washington về tương lai của trật tự hạt nhân thế giới.

Xem xét góc nhìn của Trung Quốc, NPR đề cập đến niềm tin bao trùm rằng Bắc Kinh có lập trường quân sự ngày càng quyết đoán hơn và nhận định “xung đột quân sự trực tiếp Mỹ-Trung có khả năng leo thang hạt nhân.”

Với bản chất leo thang trong căng thẳng giữa hai cường quốc hạt nhân, cần đặt câu hỏi về sự chú trọng quá mức đến hiệu quả “răn đe” mà các quốc gia sở hữu hạt nhân thường sử dụng như một cái cớ biện minh. 

Trong bối cảnh kho dự trữ hạt nhân của Trung Quốc tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa, Hans Kristensen và Matt Korda đã đánh giá toàn diện chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Bắc Kinh trong tài liệu “Các lực lượng hạt nhân Trung Quốc, 2019.”

Theo nghiên cứu này, Trung Quốc tiếp tục phát triển các năng lực mới như tên lửa đạn đạo kép di động tầm trung mới và làm mới Tên lửa Đạn đạo Tầm trung (MRBM) hạt nhân, bệ phóng di động đường bộ và tên lửa đạn đạo kép có khả năng phóng từ trên không.

Trung Quốc và nguy cơ chạy đua vũ trang hạt nhân mới ảnh 2Tên lửa siêu thanh CM-401 của Trung Quốc tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2018. (Nguồn: Janes.com)

Niên giám SIPRI 2020 cũng nêu bật quan ngại về sự thiếu minh bạch của Trung Quốc và nhấn mạnh kế hoạch hiện đại hóa kho hạt nhân của Bắc Kinh với việc phát triển máy bay ném bom chiến lược nhằm hoàn thiện bộ ba hạt nhân cho phép chuyển giao vũ khí bằng đường bộ, đường không và đường biển.

Tiến trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Trung Quốc cũng tác động đến quan hệ quốc phòng với Ấn Độ. Những cải cách quân sự sâu rộng của Trung Quốc đã gây áp lực đáng kể buộc chính quyền Ấn Độ phải tăng cường hạ tầng quân sự và cải thiện năng lực quốc phòng.

Theo một tài liệu do Yang Chengjun công bố gần đây, Trung Quốc đã triển khai một hệ thống cảnh báo tên lửa sớm cho phép PLARF phát hiện tên lửa hạt nhân phóng từ Trung Quốc đại lục và phản công bằng vũ khí hạt nhân của PLARF chỉ trong vòng vài phút.

Phân tích của Kristensen và Korda về “Các lực lượng hạt nhân Ấn Độ, 2020” cũng đưa ra thay đổi tiềm tàng trong chiến lược hạt nhân của Ấn Độ, vốn chủ yếu nhằm vào Pakistan, nay hướng tập trung vào Trung Quốc.

Như đã thấy với tên lửa Agni mới với tầm bắn vươn tới Trung Quốc, các quyết sách hạt nhân của Ấn Độ hiện nay và trong tương lai đều chú trọng đến năng lực hạt nhân ngày càng gia tăng và tiến trình hiện đại hóa của Trung Quốc.

Nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã làm gia tăng bất ổn trong trật tự hạt nhân toàn cầu vốn đã lỏng lẻo. Mặc dù về tổng thể các quốc gia sở hữu hạt nhân đã giảm số đầu đạn hạt nhân, chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân vẫn liên tục đối mặt trở ngại trong các thỏa thuận quốc tế và hợp tác song phương.

Khi nhiều thỏa thuận quốc tế thúc đẩy không phổ biến vũ khí hạt nhân đã sụp đổ, có thể thấy rõ mức độ nguy hiểm của việc thiếu cam kết giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, do đó quan trọng là phải tăng cường cam kết với các công cụ kiềm chế tham vọng vũ khí hạt nhân và khuyến khích không phổ biến hạt nhân.

Chiến lược quân sự của Trung Quốc càng quyết đoán, mức độ rủi ro càng cao. Dù Trung Quốc đã bác bỏ mọi mối quan tâm tới thỏa thuận cắt giảm vũ khí giữa Nga và Mỹ, vẫn cần thúc đẩy một cơ chế đối thoại chiến lược với cộng đồng hạt nhân quốc tế có Trung Quốc tham gia.

Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng, cộng đồng quốc tế không thể bỏ qua tác động tiêu cực của một cuộc chạy đua vũ trang gay gắt hơn.

Do đó, mọi nỗ lực nhằm tiến tới không phổ biến vũ khí hạt nhân đều đòi hỏi sự tham gia của Trung Quốc vào các biện pháp theo đuổi giải trừ hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục