Trường đại học, cao đẳng lại "tố khổ" cơ sở vật chất

Trong khi các trường công lập kêu nguồn chi ngân sách Nhà nước cho trường còn thấp thì các trường dân lập lại “tố” không được đối xử công bằng.

Đòi hỏi chính sách công bằng giữa các trường, muốn tự chủ tuyển sinh và bỏ điểm sàn, yêu cầu được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các thủ tục về thuế, đất đai… là những vấn đề được các đại diện của gần 400 trường đại học, cao đẳng đặt ra trong Hội nghị tổng kết năm học 2009-2010, triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011 tổ chức ngày 1/9 tại Hà Nội.

Các trường thì nhau "tố khổ"


Ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội than thở, hiện mỗi năm trường được Nhà nước cấp cho  14 tỷ đồng nhưng thực cấp chỉ khoảng 2 tỷ đồng vì 12 tỷ đồng còn lại trường phải dành để cấp học bổng và chi trả học phí cho đối tượng chính sách theo quy định. Vì thế, mức học phí tuy đã có tăng nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Trong khi các trường công lập kêu nguồn chi ngân sách Nhà nước cho trường còn thấp thì các trường dân lập lại “tố” không được đối xử công bằng.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng Đại học dân lập Phú Xuân (Huế) bày tỏ: “Tôi chỉ mong được Nhà nước cấp cho một phần nhỏ của số ngân sách cấp cho Đại học Công nghiệp cũng thấy mừng vì các đại học ngoài công lập phải tự xoay xở từ đầu đến cuối.”

Ông Ngộ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công bằng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường ngoài công lập về các vấn đề như thuế, đất đai. “Nếu các trường ngoài công lập dùng khoản đóng thuế để tái đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo thì sẽ tốt hơn,” ông Ngộ kiến nghị.

Và kiến nghị cho mở rộng tự chủ

Trước bức xúc của các trường về vấn đề kinh phí, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năm học này là năm thuận lợi nhất với các trường từ trước tới nay vì học phí tăng lên, khoản miễn giảm học phí cho sinh viên đối tượng chính sách Nhà nước sẽ chi trả thay vì các trường phải tự trả như trước đây. Nhiều thuận lợi nhưng các trường vẫn kêu thiếu kinh phí, trong khi đó không hề nhắc đến việc sẽ dùng các khoản tăng từ thu học phí vào nâng cao chất lượng đào tạo như thế nào.

Cũng tại Hội nghị, nhiều lãnh đạo các trường yêu cầu được tự chủ tuyển sinh, bỏ điểm sàn để các trường thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định, điểm sàn là không thể bỏ. Theo ông, việc định điểm sàn giúp kiểm soát chất lượng đầu vào, “nếu bỏ điểm sàn, các trường khó tuyển sinh sẽ lấy cả các thí sinh điểm thấp vào học, số lượng sinh viên có thể tăng nhưng chất lượng sẽ kém,” ông Ga nói.

Không chỉ yêu cầu được tự chủ tuyển sinh, các trường đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng cơ chế giao quyền tự chủ cho các trường trong tài chính, xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng, chính các trường cần xem xét lại hoạt động của mình. Cụ thể, bà Hà cho biết, khi giao quyền tự chủ cho các trường thì các trường phải thực hiện tốt cơ chế báo cáo lên Bộ để Bộ giám sát. Nhưng việc thực hiện báo cáo của các đại học, cao đẳng là rất kém.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể, bà Hà nói: “Có lẽ không có bộ nào như Bộ Giáo dục và Đào tạo. Để chuẩn bị cho hội nghị tổng kết năm học 2009-2010 và triển khai nhiệm vụ năm học 2010-2011, Bộ đã 2 lần gửi công văn yêu cầu các trường nộp báo cáo tổng kết, nhưng sau 2 lần gửi công văn, đến hết ngày 15/8, Bộ cũng chỉ nhận được báo cáo của khoảng 40% số trường. Điều này chắc chỉ xảy ra ở Bộ Giáo dục và Đào tạo,” bà Hà bức xúc./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục